Công nghệ khảo cổ Trung Quốc phát hiện sửng sốt về người cổ đại tuyệt chủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giới khảo cổ Trung Quốc sử dụng công nghệ mới nhất để tìm hiểu cuộc sống của người cổ đại, dựa trên một hóa thạch xương hàm được tìm thấy trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc lấy mẫu ở hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Các nhà khảo cổ Trung Quốc lấy mẫu ở hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Theo Tân Hoa Xã, bằng cách nghiên cứu hóa thạch và trầm tích từ hang Baishiya Karst - nơi hóa thạch được phát hiện - các nhà nghiên cứu đã xác định xương hàm thuộc về một loài người cổ đại đã tuyệt chủng là Denisovan hominin - mà trước đây chỉ được tìm thấy ở Siberia.
Ngoài việc mở rộng phạm vi đã biết về người Denisovan, khám phá cung cấp bằng chứng về hoạt động tiền sử của con người trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ít nhất 160.000 năm trước, sớm hơn nhiều so với thời điểm trước đó là 40.000 năm.
Nghiên cứu cũng đã làm nổi bật vai trò có giá trị của công nghệ hiện đại trong việc giải đáp các câu đố khảo cổ học trước đây nằm ngoài phạm vi khoa học.
 
Các nhà khảo cổ khai quật hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Các nhà khảo cổ khai quật hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Năm 2018, các nhà khảo cổ từ Đại học Lan Châu bắt đầu khai quật hang Karst Baishiya, ở độ cao hơn 3.200 mét, tại phía đông bắc cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.
Phần lớn nghiên cứu của họ tập trung vào xương hàm có các đặc điểm giống con người - cho thấy hoạt động của người tiền sử trong khu vực.
Hợp tác với nhiều tổ chức trên khắp thế giới, nhóm nghiên cứu của Đại học Lan Châu đã sử dụng một loạt công nghệ, bao gồm phân tích protein của một trong những chiếc răng và xác định niên đại phân rã uranium-thorium của lớp vỏ cacbonat trên hóa thạch. Họ cũng phân tích ADN ti thể được tìm thấy trong các vật liệu trầm tích được khai quật từ hang.
Những phát hiện đã xác nhận rằng, người Denisovan sinh sống trong một thời gian dài trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, đồng thời khẳng định mối quan hệ gần gũi của họ với người Denisovan sau này được tìm thấy ở Siberia, đồng thời làm sáng tỏ các đặc điểm thể chất và cách sống của những người cổ đại này.
Zhang Dongju - nhà khảo cổ học từ trường Cao đẳng Khoa học Trái đất và Môi trường thuộc Đại học Lan Châu, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Các công nghệ mới hiện đang giúp chúng tôi thiết lập một khung tuổi hoàn chỉnh và đáng tin cậy cho nhóm người đã tuyệt chủng này".
Zhang nói: “Ngoài ra, chúng còn giúp chúng tôi hiểu công nghệ sản xuất công cụ bằng đá, chiến lược sử dụng động thực vật cũng như môi trường sống và chiến lược thích nghi của họ”.
Theo Zhang, việc phân tích ADN ti thể trong các lớp trầm tích đặc biệt hữu ích vì nó có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy về những người cổ đại đã sống ở những địa điểm khảo cổ này, nơi rất khó hoặc hầu như không tìm thấy hóa thạch của con người.
 
Hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Hang Baishiya Karst. Ảnh: Xinhua/VCG
Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science vào tháng 10.2020, kéo theo nỗ lực chung của các tổ chức ở Trung Quốc, Đức, Australia và Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy vai trò ngày càng tăng của các công cụ và phương pháp khoa học mới trong khảo cổ học Trung Quốc, cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại cuộc sống và khung cảnh xã hội của các nhóm người cổ đại. Bằng cách tập hợp các mảnh dữ liệu khoa học rời rạc lại với nhau, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể hiểu được tuổi thọ, đặc điểm hình thái vật lý, trình tự gene và chế độ ăn uống của họ.
"Công việc của chúng tôi tương tự như công việc của các nhà điều tra tội phạm" - Gao Xing, nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ sinh vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết. "Chúng tôi sử dụng các phương pháp khoa học và công nghệ để thu được nhiều thông tin cổ phong phú hơn thông qua các tài liệu và thông tin rời rạc".
Chẳng hạn, bằng cách phân tích các đồng vị ổn định, các nhà nghiên cứu có thể xác định con người đã ăn gì và sống như thế nào từ hàng trăm nghìn năm trước, theo Gao.
Zhang nói: “Sự can thiệp ngày càng nhiều của khoa học và công nghệ vào khảo cổ học đang liên kết hiệu quả quá khứ với ngày nay và tương lai, tái cấu trúc một lịch sử loài người thực tế và sống động hơn”.
SONG MINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/cong-nghe-khao-co-trung-quoc-phat-hien-sung-sot-ve-nguoi-co-dai-tuyet-chung-900308.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.