Kinh ngạc loài cá tí hon có thể phát ra âm thanh lớn hơn cả tiếng voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các nhà khoa học, Danionella Cerebrum, loài cá nhỏ trong suốt sống ở vùng nước nông ngoài khơi Myanmar, có thể tạo ra tiếng động hơn 140 decibel - lớn hơn cả tiếng của một con voi.
Danionella Cerebrum là loài cá nhỏ sống ở vùng nước nông ngoài khơi Myanmar. (Nguồn: CNN)

Danionella Cerebrum là loài cá nhỏ sống ở vùng nước nông ngoài khơi Myanmar. (Nguồn: CNN)

Theo một nghiên cứu mới, một loài cá nhỏ có chiều dài không quá nửa inch (1,27cm) có khả năng phát ra âm thanh lớn hơn cả tiếng của một con voi.

Trong thông cáo báo chí công bố cuối tháng trước, một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết Danionella Cerebrum - loài cá nhỏ trong suốt sống ở vùng nước nông ngoài khơi Myanmar - có thể tạo ra tiếng động hơn 140 decibel.

Ralf Britz - tác giả nghiên cứu, nhà ngư học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Senckenberg ở Dresden (Đức) - nói: “Điều này có thể so sánh với tiếng ồn mà con người cảm nhận được khi máy bay cất cánh ở khoảng cách 100m và khá bất thường đối với một loài động vật có kích thước nhỏ bé như vậy.”

Những động vật lớn thường phát ra âm thanh lớn hơn những loài nhỏ. Chẳng hạn, voi có thể tạo ra âm thanh lên tới 125 decibel bằng vòi của chúng.

Tuy nhiên, một số động vật nhỏ có thể tạo ra những tiếng động cực lớn so với kích thước của chúng, bao gồm cả loài tôm gõ mõ (Snapping Shrimp). Chúng sử dụng càng để tạo ra âm thanh lộp bộp có âm lượng lên tới 250 decibel.

Ngoài ra còn có một số loài cá tạo ra âm thanh lớn bất thường, chẳng hạn như cá Plainfin Midshipman đực có khả năng phát ra âm thanh tới 130 decibel khi giao phối.

Nhưng Danionella Cerebrum dường như mới là loài “độc nhất vô nhị” trong số các loài cá.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các đoạn video tốc độ cao, quét micro-CT và phân tích thông tin di truyền để cho thấy những con đực của loài này “sở hữu một bộ máy tạo âm thanh độc đáo bao gồm sụn đánh trống, xương sườn chuyên dụng và cơ chống mỏi.”

Cá tạo ra tiếng ồn bằng cách đập sụn vào bong bóng bơi - một cơ quan chứa đầy khí cho phép chúng duy trì độ sâu trong nước.

Các xung tần số cao được tạo ra bằng cách nén bàng quang từ bên trái và bên phải theo kiểu xen kẽ, trong khi các xung tần số thấp hơn được tạo ra bằng cách nén một bên lặp đi lặp lại ở cùng một phía của cơ thể.

“Không loài cá nào khác sử dụng các chuyển động co cơ một bên lặp đi lặp lại để tạo ra âm thanh” - nghiên cứu cho hay.

Theo nghiên cứu, việc sử dụng cả cơ co hai bên và một bên đồng nghĩa có thể tạo ra nhiều loại âm thanh hơn, và cá sử dụng các xung [tần số] để giao tiếp với nhau trong vùng nước đục.

Britz cho biết: “Chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh giữa những con đực trong môi trường hạn chế về mặt thị giác này đã góp phần phát triển cơ chế giao tiếp âm thanh đặc biệt.”

Nghiên cứu được công bố hôm 26/2 trên Tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Có thể bạn quan tâm