Lần đầu tìm thấy nước trên tiểu hành tinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các phân tử nước lần đầu tiên được phát hiện trên một tiểu hành tinh, tiết lộ những manh mối mới về sự phân bổ của nước trong hệ mặt trời.
Tiểu hành tinh là phần còn thừa lại trong quá trình hình thành hành tinh

Tiểu hành tinh là phần còn thừa lại trong quá trình hình thành hành tinh

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 4 tiểu hành tinh giàu hợp chất silicate dựa trên dữ liệu của Đài quan sát trên tầng bình lưu về thiên văn học hồng ngoại (SOFIA).

Đây là một máy bay được trang bị kính viễn vọng do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm Hàng không Vũ trụ (Đức) phối hợp triển khai và hiện đã về hưu từ năm 2022.

Trong số 4 tiểu hành tinh, 2 hành tinh tên Iris và Massalia được ghi nhận có bước sóng ánh sáng cụ thể cho thấy các phân tử nước đang hiện diện trên bề mặt, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Planetary Science Journal.

Iris và Massalia, với kích thước bề ngang lần lượt 199 km và 135 km, di chuyển trên quỹ đạo tương đồng và cách mặt trời trung bình khoảng 2,39 đơn vị thiên văn (chỉ khoảng cách mặt trời - trái đất).

"Những tiểu hành tinh vốn là phần còn thừa lại trong quá trình hình thành hành tinh, vì thế kết cấu của chúng phụ thuộc vào địa điểm được thai nghén trong tinh vân mặt trời", theo trưởng nhóm Anicia Arredondo của Viện Nghiên cứu Tây Nam ở thành phố San Antonio (bang Texas, Mỹ).

Trong khi phân tử nước trước đây từng được tìm thấy bên trong mẫu vật tiểu hành tinh mang về trái đất, phát hiện mới đánh dấu lần đầu tiên có phân tử nước trên tiểu hành tinh đang di chuyển trong không gian.

SOFIA cũng tìm thấy dấu vết tương tự của nước trên mặt trăng, cụ thể là bên trong một hõm chảo thuộc nhóm lớn nhất ở nam bán cầu trên vệ tinh tự nhiên của địa cầu.

Có thể bạn quan tâm