Dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã công bố những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động "hậu dịch Covid-19" nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm vừa và nhỏ cho rằng: "Hãy tự cứu mình trước khi… Chính phủ cứu".
Nhiều doanh nghiệp nói rằng, dù Chính phủ có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hậu dịch như giãn thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, vay vốn với lại suất ưu đãi… nhưng rồi cũng phải hoàn trả những khoản "chậm và giãn", tốn thời gian và công sức với những thủ tục chặt chẽ của ngân hàng… Thay vào đó, họ tìm cách thoát dịch nguồn vốn tích lũy từ nhiều năm qua và bằng kinh nghiệm thực tế thương trường đến xót lòng.
Thắng bại thương trường là lẽ thường tình!
"Trong kinh doanh, thắng bại thương trường là lẽ thường tình! Nếu thiên hạ thắng mà mình thua mới nhục. Còn dịch bệnh toàn cầu như Covid-19, cả thế giới lâm nguy nên mình khó khăn đâu có gì đáng nói. Vấn đề quan trọng của doanh nghiệp lúc này là làm sao xoay trở để vượt qua khó khăn. Còn nếu không chịu nổi, tình huống xấu nhất… cũng là điều bình thường", ông Lê Văn Chính, cố vấn của Soncamedia. chia sẻ.
Nhóm sản xuất phần mềm ở Soncamedia |
Soncamedia với những sản phẩm giải trí được nhiều khách hàng bình dân ở thị trường Việt Nam, Úc… biết đến là đầu karaoke, ampli, micro, dàn âm thanh mang thương hiệu Acnos (từ Sơn Ca viết ngược), gần đây là những dòng loa di động Beatbox…
Trong tháng 3, doanh thu từ các sản phẩm điện tử của Soncamedia chỉ bằng 20% so với kế hoạch. Tháng 4, khi quy định cách ly của Chính phủ có hiệu lực, doanh thu ngành hàng này có tăng lên 50%. Còn tuần đầu tháng 5, lượng hàng bán ra cũng yếu như hồi… tháng 4!
Ông Chính nhận định: "Thị trường ngành hàng âm thanh sẽ còn tệ hại trong vài tháng nữa, thậm chí là hết năm nay. Khi nào tình hình thế giới yên ổn, giao thương tăng trở lại, sức mua nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng của chúng tôi làm ra mới sớm nhìn thấy ánh sáng mặt trời".
Khi được hỏi "Soncamedia sẽ tận dụng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thế nào", ông Chính cười: "Tôi cảm ơn những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Nhưng nói thiệt, tốn thời gian lắm. Để dành thời gian đó đi làm việc khác có ích hơn".
Việc khác, theo lời ông Chính, đó là đẩy mạnh sản xuất phần mềm. Dù không tiết lộ đó là phần mềm nào nhưng theo ông, nhiều doanh nghiệp trong nước, kể các các doanh nghiệp của nước ngoài mua những giải pháp phần mềm của Soncamedia. "Dù nhóm hàng điện tử ế ẩm mà chúng tôi sống được là nhờ vào những sản phẩm phần mềm, cộng vào đó là tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý…", vị cố vấn nói thêm.
Để Soncamedia tồn tại trong thời hậu dịch Covid-19, những ông chủ doanh nghiệp này sử dụng nguồn lợi nhuận tích lũy từ nhiều năm qua. "Không nhiều lắm đâu nhưng chúng tôi còn ít "mỡ". Giờ là lúc lấy nguồn "mỡ" đó để sống qua ngày, chờ thị trường phục hồi sẽ tính tiếp. Vì lúc này hàng ra khó khăn, vay nhiều tiền để làm gì", ông Chính chốt lại câu chuyện.
King Coffee và 100.000 lao động nữ!
"King Coffee đang xây dựng để án phát triển hệ thống phân phối tạo nguồn thu nhập cho 100.000 lao động nữ. Mỗi lao động với doanh số bán hàng 30 triệu đồng/tháng sẽ có thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nhà sản xuất cà phê rất vất vả trong việc tìm kiếm lao động tham gia vào kênh phân phối", CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo phác họa vài nét về dự án kinh doanh mới với nhiều tham vọng dành cho phụ nữ, không chỉ tăng thu nhập cho lao động nữ mà còn gia tăng nhu cầu sử dụng cà phê trong nước.
Bà Diệp Thảo và các đối tác ở Trung Đông. Ảnh: T.L |
Quay trở lại với thực tại của King Coffee hậu dịch Covid-19, bà Diệp Thảo cho rằng "Nếu Chính phủ chú trọng xây dựng ngành cà phê trở thành ngành chiến lược cho kinh tế Việt Nam, King Coffee sẽ là doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê vì sản phẩm này là loại hàng hóa thiết yếu của người sử dụng, nhất là tại các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ…".
CEO King Coffee dẫn chứng, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn duy trì vị trí số 2 về số lượng xuất khẩu cà phê của thế giới nhưng luôn "đội sổ về giá", do phần lớn sản lượng xuất khẩu tập trung vào hạt thô. Trong quý 1 năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm mạnh do dịch Covid–19, riêng trong tháng 1 đã giảm 28% về sản lượng và 29% về giá trị.
Nói về chiến lược "chòi đạp" thời hậu dịch Covid-19, bà Thảo chia sẻ: "Với thị trường nước ngoài, King Coffee đã hoàn thiện chuỗi cung ứng đa kênh (Omini chain) tại thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam trên các kênh truyền thông thế giới; xây dựng thương hiệu với dãy sản phẩm cà phê đặc trưng của Việt Nam phù hợp với từng khu vực, quốc gia... Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thương hiệu cà phê Việt gắn liền với bóng đá Tây Ban Nha (La Liga) để tiếp cận người tiêu dùng trên thế giới".
Về thị trường trong nước, King Coffee đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thông qua truyền thông số; áp dụng hệ thống cung ứng đa kênh, kết nối với đội tuyển bóng đá quốc gia…
Làm hàng bằng tay
Huyện Đức Linh (Bình Thuận) có diện tích điều gần 10.000 ha. Những năm trước, 60 - 80% sản lượng hạt điều Đức Linh xuất sang Trung Quốc. Nhưng gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng hạt hạnh nhân hơn hạt điều làm hạt điều Đức Linh nói riêng lâm vào tình cảnh dư thừa, giá hạ đã tác động tới người trồng điều và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp chế biến điều ở Đức Linh chuyễn sang làm thủ công. Ảnh: T.L |
Ông Lê Văn Năm, giám đốc công ty chế biến điều Năm Trang (Đức Linh) cho biết, vì không thể xuất khẩu điều sang Trung Quốc nên công ty đành chọn giải pháp "chế biến thủ công thay vì sử dụng 90% máy móc như trước đây" vừa giảm chi phí sản xuất vừa tạo công ăn việc làm cho lao động, cũng là cách "giữ người phòng khi tình hình xuất khẩu tươi sáng trở lại". Trong khó ló khôn!
Theo ông Năm, để hạt điều vào được các thị trường khó tính, sản phẩm phải đạt nhiều tiêu chuẩn cao, đồng nghĩa công nghệ chế biến cho tới trình độ tay nghề của nhân công ở từng công ty phải cao. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Đức Linh hiện nay hạn chế nguồn vốn nên khó đáp ứng được hai yêu cầu trên.
"Tình hình của nhiều doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi giờ khó khăn lắm nhưng phải tự bơi thôi. Vì quy mô sản xuất nhỏ nên nhiều doanh nghiệp không dám đi vay vốn lãi suất thấp vì có gõ đúng cửa cũng khó được giải quyết", ông Năm nói rất bình thản.
https://danviet.vn/hay-tu-cuu-minh-truoc-khi-chinh-phu-cuu-20200510090514334.htm
Theo Song Minh – Quốc Hải – Nguyễn Vy (Dân Việt)