Hãy nắm lấy tay con!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Anh P.-một trí thức người dân tộc thiểu số đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo kể, anh có một cô con gái học năm cuối tại một trường đại học y dược danh tiếng nhưng cuối cùng đành bỏ giữa chừng. Lý do là em nhận ra mình không yêu nghề y.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Đặc biệt, khi đi thực tập tại bệnh viện, em càng nhận ra nghề này không dành cho mình. Em luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi khi tiếp xúc với bệnh nhân. Áp lực tâm lý đã khiến em bị trầm cảm kéo dài với trăn trở: Liệu em có được cha mẹ chấp nhận cho nghỉ học với lý do này không, nhất là khi gia đình đã phải nỗ lực nuôi em ăn học trong điều kiện khó khăn?
“Ban đầu, lúc nghe con nói rằng không thể tiếp tục theo học với lý do như trên, chúng tôi rất khó khăn để chấp nhận. Tôi nghĩ đây cũng là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này: Con bé có thể trở thành một bác sĩ cứu người khi không có tình yêu với nghề? Và quan trọng hơn, tôi nghĩ mình cần “cứu” con trước, nó đang cần giúp đỡ hơn là chỉ trích, ép buộc theo học ngành nghề mà nó không yêu thích. Nếu tình trạng trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của con sau này”-anh chia sẻ.
Nắm lấy tay con là cách anh P. đã lựa chọn để giúp con vượt qua khó khăn. Gia đình anh sau đó đã khuyến khích con mình tìm một ngành nghề yêu thích để tiếp tục học tập. Giờ đây, con gái anh đang sống và làm việc tại Cộng hòa Síp-một đảo quốc phía Đông Địa Trung Hải. Anh chia sẻ: “Cháu làm công việc lao động phổ thông với mức thu nhập trung bình. Nhưng điều quan trọng là cháu sống rất vui vẻ, hạnh phúc với sự lựa chọn này. Đây là cuộc sống mà cháu mong muốn, đó mới là điều quan trọng nhất”. Anh P. cũng chia sẻ rằng, đến giờ anh vẫn thấy lựa chọn của gia đình là hoàn toàn đúng đắn. Giữa việc lựa chọn có 1 đứa con là bác sĩ để nở mặt nở mày với họ hàng, làng xóm với việc để cho con tự quyết định hạnh phúc, anh đã nghiêng về phía con.
2. Câu chuyện của H.T.A.-một cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương hẳn nhiều người đã biết khi em phải trải qua những năm tháng vừa học tập vừa chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo, nhưng vẫn xuất sắc đậu vào Khoa Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 2 năm học tập ở ngôi trường mà nhiều bạn trẻ mơ ước, A. quyết định dừng lại, bảo lưu kết quả để tìm hướng đi khác vì nhận ra ngành học này không phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân. “Em đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều trước khi đi đến quyết định này. Nói ra thì đơn giản lắm, nhưng quả thực đó là cuộc đấu tranh khi quyết định bỏ dở cả một quá trình dài phấn đấu học tập để đặt bản thân trước một sự lựa chọn mới, mà lần này không được phép sai lầm”-A. kể.
Cuộc sống không cho ai quá nhiều cơ hội, A. hiểu rõ điều đó nên trong thời gian bảo lưu kết quả học tập, em tập trung học thêm tiếng Anh vì cho rằng ngôn ngữ này sẽ là nền tảng giúp tìm kiếm những cơ hội khác phù hợp hơn. Hiện tại, A. đang theo học khóa đào tạo tiếng Anh tại một trung tâm ở Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Tại đây, ngoài việc được trang bị những kiến thức căn bản về tiếng Anh, học viên còn được rèn luyện để hình thành những thói quen bổ ích như: dành ra 1 giờ mỗi ngày đọc sách, 1 giờ tập thể dục, mỗi ngày phải chạy bộ 2 vòng quanh hồ Đak Ke. Mỗi tuần, A. phải viết “review” (tóm tắt, giới thiệu) về cuốn sách đã đọc. Bên cạnh đó, học viên dùng tiếng Anh 100% trong giao tiếp, ai nói tiếng Việt sẽ bị phạt. Vì thế mà sau 3 tháng học tại đây (trung tâm lo cả chỗ ăn, ở), khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2 của A. tăng lên đáng kể. Nhưng điều quan trọng hơn là chính trong quá trình học tập và được rèn luyện những thói quen lành mạnh, A. đồng thời khám phá nhiều điều từ chính bản thân mình. Em giãi bày: “Trước đây, em băn khoăn về rất nhiều thứ: khi thì muốn trở thành một quản lý nhà hàng khách sạn, khi muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch… Sau quá trình học tập ở đây, em mong muốn sẽ trở thành một giáo viên Anh ngữ và sẽ nỗ lực thật nhiều để đạt được mục tiêu của mình”.
Kể lại câu chuyện của bản thân, A. không quên nhắc đến yếu tố rất quan trọng đối với cá nhân em, đó là sự ủng hộ hết mình của bố mẹ trước quyết định chuyển hướng nghề nghiệp. “Em rất may mắn vì được ba mẹ thấu hiểu, giúp đỡ, định hướng chứ không ép buộc phải học ngành này ngành kia. Đó là điều khiến em hạnh phúc và không ngừng nỗ lực, cố gắng”-A. chia sẻ.
3. Kể ra vài câu chuyện trên, người viết muốn bàn về thái độ của phụ huynh trước những quyết định của con em mình. Vào giai đoạn phải lựa chọn môi trường học tập-bước tạo đà cho nghề nghiệp tương lai sau này, tâm lý những bạn trẻ thường rất chông chênh, đôi khi chưa hiểu rõ bản thân muốn gì, vì vậy cần được định hướng chứ không phải áp đặt. Nếu con mắc sai lầm thì đừng tỏ thái độ thất vọng mà hãy nắm lấy tay con để cùng vượt qua. Bởi sự sai lầm của con chắc gì không có lỗi của người lớn. Lỗi ở đây chính là việc “chọn trường thay con”, bảo bọc thái quá khiến trẻ khó trưởng thành, không biết khả năng thực sự của bản thân. Hơn nữa, sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho con có thể còn hiệu quả hơn mọi ràng buộc, cam kết, bảo bọc. Có bao nhiêu bậc cha mẹ dám chìa tay ra với con như anh P.; bao nhiêu gia đình trở thành “hậu phương” vững chắc, một nơi tin cậy để con cái khi khó khăn sẽ lập tức tìm về như trường hợp của A.? Tôi tin rằng, những đứa trẻ được “nắm tay” đúng lúc ấy chắc chắn sẽ trở thành những lao động chất lượng và sẽ sống hạnh phúc với lựa chọn của chính mình.
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.