Tết đến, đừng sợ về quê!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lý do phổ biến khiến nhiều người sợ về quê là vì không đạt được kỳ vọng của gia đình, có ít tiền hoặc áp lực bị giục cưới hỏi...

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng Nguyễn Minh Anh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cứ đắn đo: "Tết này có về quê không?".

Không "mặt mũi" nào...

Minh Anh quê tỉnh Nghệ An. Trong 3 chị em, cô là người duy nhất đậu đại học. Bố chạy xe ôm, mẹ bán rau ngoài chợ, thấy bố mẹ vất vả, cô luôn dặn lòng học thật giỏi để sau này lo cho gia đình.

Mấy năm học đại học, Minh Anh luôn đứng hàng "top", học kỳ nào cũng giành học bổng. Cô nghĩ có thể kiếm được công việc tốt, mức lương khá khi ra trường nhưng thực tế không như vậy.

Ngày tốt nghiệp, thực tế như "cú tát" vào giấc mộng của cô gái trẻ. Minh Anh đi đến đâu cũng cảm thấy áp lực - nơi thì cô bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm, nơi lại không dễ hòa đồng.

"Có lần, tôi gọi về gia đình nói mình lại nghỉ việc. Hôm sau, mẹ kể bố mất ngủ, ngồi hút thuốc ngoài sân cả đêm, vì bố kỳ vọng ở tôi nhiều. Tôi đã khóc sưng mắt vì buồn, quyết vực dậy bản thân. Tôi đặt thời hạn mục tiêu cho bản thân. Ban ngày, tôi làm ở công ty, tối đóng cửa phòng học tiếng Anh, kỹ năng mềm… Gần đây, mọi thứ đã tốt dần hơn nhờ nỗ lực, tôi chưa thành công nhưng đang đi trên con đường riêng của mình, tin rằng mọi thứ sẽ được đền đáp" - cô gái 27 tuổi bày tỏ.

Theo Minh Anh, vẫn biết rằng bố mẹ luôn yêu thương nhưng "tôi không mặt mũi nào đối diện với họ trong lúc chưa có gì trong tay như bây giờ nên đắn đo, không biết có nên về quê ăn Tết hay không".

Bước sang tuổi 31, có ngoại hình ưa nhìn và thu nhập ổn định nhưng Trần Phương Tuấn (ngụ quận 10, TP HCM; quê Nam Định) chưa có ý định tìm "một nửa" của mình vì công việc bận rộn, không còn thời gian để tìm hiểu và yêu đương.

"Ở quê, con trai đến tuổi này mà chưa lấy vợ thì bị cho là ế. Ba mẹ lo lắng, luôn nhắc nhở tôi chuyện lấy vợ, sinh con để ông bà ẵm bồng. Lễ, Tết là dịp đau đầu nhất, họ hàng đặt một loạt câu hỏi trên trời dưới đất khiến tôi choáng váng. Sáng ra đầu ngõ thì cô hàng xóm hỏi: "Bao giờ lấy vợ?"; chiều đi mua đồ ăn thì cô bán hàng châm chọc: "Tuổi này vẫn chưa lấy vợ à?". Chưa kể, người ác miệng còn nói tôi chắc "không thể lấy vợ". Hôm trước, mẹ nói đã xếp lịch một ngày đầu năm để tôi xem mắt bạn gái. Nghĩ đến thôi, tôi đã không muốn về" - anh tâm sự.

Tết năm nay, gia đình 3 người anh Lê Tiến Trung (34 tuổi; ở quận Bình Tân, TP HCM) cũng dự định không về quê Thanh Hóa. Trung là lao động tự do; vợ anh là công nhân may mặc, 2 tháng trước phải nghỉ việc do công ty không có đơn hàng. Tiền học, tiền sữa cho con, tiền ăn uống, chi tiêu gia đình… đã "ăn" vào khoản tiết kiệm của vợ chồng anh.

"Con trai 6 tuổi ngày nào cũng hỏi năm nay khi nào cả nhà mình về quê, vợ chồng tôi chỉ thở dài nhìn nhau. Chúng tôi cũng chưa dám nói với ba mẹ ở quê, sợ họ buồn. Năm ngoái, tôi đưa ra lý do con bệnh nên ở lại, ai cũng thông cảm. Năm nay chẳng lẽ đưa ra lý do không có tiền thì ngại quá, không thể mở miệng" - anh Trung băn khoăn.

Gia đình là nơi để trở về

Có thể thấy các lý do phổ biến khiến những người con sợ về nhà là do không dám đối diện cha mẹ, bản thân, cảm thấy xấu hổ vì không đạt được kỳ vọng hoặc do áp lực tài chính.

Theo chuyên viên tâm lý Mai Thanh Thủy (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight), cảm giác này dễ đẩy người ta vào trạng thái buồn bã, cô đơn. "Gia đình là nơi để trở về sau những năm tháng bôn ba giữa dòng đời xuôi ngược. Gia đình cũng là nơi chứa đựng hết những yêu thương, giận hờn; là nơi mà tất cả chúng ta muốn tựa vào khi gặp phải những vấp ngã, chông gai; là nơi luôn dang rộng vòng tay yêu thương, che chở với tấm lòng bao dung, vị tha. Vì thế, đừng sợ về nhà. Nếu thấy mình chưa làm được gì, ít nhất cũng nên suy nghĩ tích cực, đối diện nghịch cảnh, cố gắng làm việc tốt hơn" - bà Thanh Thủy nhấn mạnh.

Với trường hợp bị giục cưới, bà Thanh Thủy cho rằng cha mẹ và con cái cần cảm thông, thấu hiểu cho nhau. Ai cũng có áp lực riêng nên cần chia sẻ, vướng mắc chỗ nào thì gỡ chỗ đó, nói chuyện để hiểu nhau.

"Một số người trẻ đặt mục tiêu có nhà, có xe rồi mới tính đến chuyện lập gia đình, sinh con. Với gia đình theo truyền thống, con cái đến tuổi phải thành gia lập thất, nên vô tình tạo áp lực cho con cái. Xã hội thay đổi, không thể dùng tiêu chuẩn cũ để áp đặt lên người khác" - bà Thanh Thủy nhìn nhận.

Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cho rằng lấy lý do sợ về nhà vì chưa có nhiều thành tựu là không hợp lý, vì thành công hay thất bại chỉ mang tính tương đối. Người trẻ luôn muốn có thể bay thật xa, khám phá và trải nghiệm. Họ lao vào công việc, mải miết kiếm tiền, mải miết vì sự nghiệp. Nhưng suy cho cùng, thứ người ta muốn có hơn cả là sự ấm áp, yêu thương của gia đình.

Ông Trần Trung Kiên chiêm nghiệm: "Vậy nên, làm ra nhiều tiền chưa hẳn là thành công. Công việc mang lại niềm vui, tiền bạc biết đủ là được. Ngày lễ, Tết không nhiều, nếu thật sự không quá áp lực về kinh tế, con cái nên trở về với gia đình để gắn kết, yêu thương. Cha mẹ thấy con ở xa, Tết này chưa thể về nhà thì nên chủ động hỏi thăm đang gặp khó khăn gì, đừng vội "kết tội". Tết đâu cần cỗ phải đầy mâm, chỉ cần cả gia đình quây quần bên nhau là đủ. Nghĩ vậy thì người ở quê hay con cái ở xa mới thấy an yên, hạnh phúc".

Gia đình là nơi mà khi trở về, chúng ta có thể vô tư, thoải mái là chính mình; có thể khóc cười, trải lòng, chia sẻ những buồn vui đã trải qua trong cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.