Mạnh dạn để con tự đứng lên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống

Cuối tuần qua, mẹ con tôi ra công viên gần nhà chơi. Trong công viên, một cô bé khoảng 5 tuổi đang chạy theo quả bóng được ném đi từ phía người mẹ. Bỗng cô bé vấp chân và té ngã. Cú ngã có vẻ mạnh khiến cô bé mắt nhíu lại, vẻ mặt như sắp khóc. Chạnh lòng, tôi định đến đỡ. Khi tôi gần chạm tay vào cô bé, người mẹ cất tiếng nhỏ nhẹ: "Đừng đỡ ạ. Cứ để cháu tự đứng dậy". Cô bé vẫn nằm trên đất đưa mắt nhìn mẹ mong sự trợ giúp. Đáp lại ánh mắt của con, người mẹ vỗ tay động viên: "Con gái ngoan, con tự đứng dậy được mà, phải không?".

Lúc này, cô bé chống tay đứng dậy trong lời ngợi khen của mẹ. Bé phủi tay rồi tiếp tục chạy đến bên quả bóng nằm như không hề bị ngã đau.

Không tạo thói quen dựa dẫm

Người mẹ trẻ chia sẻ: "Thấy con ngã đau cũng xót nhưng tôi quan sát thấy cú ngã trên nền đất không đến nỗi khiến con bị thương quá mức. Nếu bây giờ tôi cuống quýt chạy đến đỡ, vỗ về thì từ từ sẽ hình thành trong con thói quen dựa dẫm vào bố mẹ, sau này con không có kỹ năng ứng xử trước mọi tình huống trong cuộc sống. Lúc nãy, tôi cũng đã chỉ cho con thấy vì sao con bị té ngã, lần tới cần làm sao để không bị như vậy… Dù để con tự đứng dậy sau khi té ngã nhưng con cũng cần một điểm tựa để gạt bỏ nỗi sợ hãi và tự tin đứng lên bước tiếp. Đó là những gì tôi học được từ người mẹ là giáo viên của tôi".

Tôi có người bạn có con đang tuổi đi nhà trẻ (2 tuổi). Chị cho biết bình thường con trai chị ở nhà rất vui vẻ nhưng khi đến trường, cậu bé trở nên buồn và sợ đi học. Chị rất băn khoăn, không biết có áp lực nào mà con đang chịu ở lớp và liệu có nên cho con ở nhà để con luôn vui vẻ. Hỏi ý kiến một số phụ huynh, chị quyết định cho con tiếp tục đến trường. "Một phụ huynh có con cũng như bé nhà mình đã đưa ra lời khuyên hãy mạnh dạn cho con đi học, đó là cách mà chúng ta dạy con đối diện với áp lực, chấp nhận khó khăn và có cách để vượt qua. Dĩ nhiên, phải tìm hiểu thật sự tình huống đó là gì mà khiến con sợ đến lớp. Đối với bé nhà mình là do bị bạn giành đồ chơi, không cho chơi cùng. Mình đã nói chuyện với cô giáo, đồng thời cùng con làm quen và bày đồ chơi để con chơi cùng người bạn đó. Bây giờ bé nhà mình đã muốn đến trường để được chơi với bạn".

Trao cho con quyền quyết định

Nghe và nhìn cách hai người mẹ trẻ ứng xử ở trên, tôi thấm thía nhiều điều về cách dạy con, cách uốn nắn con đối diện với khó khăn, vấp ngã. Cuộc đời của con trẻ còn dài dằng dặc phía trước. Tất nhiên, không phải lúc nào con đường con đi cũng đều êm đềm, bằng phẳng. Sẽ có lúc con vấp phải "đá" như một vật cản, có lúc con trượt ngã bởi vô số "vũng lầy" và chúng ta đâu thể bên con mọi lúc, mọi nơi để đỡ tay con, kéo con đứng dậy. Chúng ta lại càng không thể sống một cuộc đời thay con, xử lý mọi tình huống, giải quyết mọi vấn đề hộ con trẻ.

Vậy thì tại sao chúng ta lại không "lạnh lùng", cứng rắn một chút để tập cho con đương đầu với khó khăn, ứng xử với thử thách? Bố mẹ nào cũng thương con vô bờ bến, chăm bón từng ly từng tí một nhưng thương con đến mức bảo bọc quá sức, che chắn quá đà sẽ khiến con mất dần "sức đề kháng" trước mọi vấn đề.

Như một cây con cần dưỡng chất để khôn lớn, con trẻ cũng cần được chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để lớn khôn. Đừng bao giờ lãng quên việc bồi đắp, bổ khuyết những kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể tự lập, tự túc và tự chịu trách nhiệm với mỗi hành động, thái độ sống của mình; tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống.

Trao cho con trẻ quyền quyết định hôm nay mặc gì, ngày mai ăn gì, ngày kia lựa chọn ngành học yêu thích gì… Bố mẹ chỉ đóng góp ý kiến theo đúng nghĩa của từ "định hướng", đó có lẽ là tiếng lòng của không ít người trẻ hiện nay đang mơ về viễn cảnh thoát khỏi vỏ bọc "gà công nghiệp", "búp bê tủ kính".

Và hành trình nuôi nấng, dạy dỗ một đứa trẻ tự lập sau này có thể bắt đầu bằng một hành xử nhỏ bé hôm nay: Để trẻ tự đứng dậy khi vấp ngã, đối diện với khó khăn!

Bố mẹ hãy làm gương cho con trong việc đối diện và xử lý khó khăn trong cuộc sống, qua đó con sẽ dần nuôi dưỡng sự tự tin và bản lĩnh của mình.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.