Hành trình vươn đến danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công viên địa chất Đắk Nông đã được Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông.

Với quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân, Công viên địa chất Đắk Nông đã được Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông vào ngày 7/7/2020 và sẽ đón bằng công nhận lại danh hiệu này vào tháng 10/2024.

Vài nét về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông trải dài trên 6 huyện, thành phố bao gồm: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Đây là “mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (viết tắt là UNESCO) công nhận và bảo trợ.

Các nhà khoa học khám phá hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Ảnh Ngô Minh Phương)

Các nhà khoa học khám phá hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Ảnh Ngô Minh Phương)

Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” do Bảo tàng Địa chất, thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì vào năm 2007 – 2008, hệ thống các hang động núi lửa trong đá bazan ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô được phát hiện và công bố, thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới khoa học trong nước và quốc tế.

Sau 6 năm nghiên cứu và khảo sát, tháng 12/2014, hệ thống hang động này chính thức được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập một số kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trên cơ sở đó, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, Đắk Nông đã quyết tâm theo đuổi mô hình CVĐCTC UNESCO nhằm lồng ghép và tích hợp một cách hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Tháng 12/2015, Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được thành lập với diện tích 4.760 km2. Trải qua 3 năm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hồ sơ khoa học, tháng 7/2018, tỉnh Đắk Nông đã mời đoàn chuyên gia của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Mạng lưới CVĐCTC đến thẩm định sơ bộ, tư vấn hoàn thiện công tác chuẩn bị, chính thức đệ trình hồ sơ lên UNESCO vào tháng 11/2018. Sau hai vòng xem xét tài liệu và thẩm định thực địa, ngày 7/7/2020, Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là CVĐCTC UNESCO và sẽ đón bằng công nhận lại danh hiệu này vào tháng 10/2024

Những chông gai trên hành trình đạt danh hiệu UNESCO

Để đạt được danh hiệu cao quý này, Công viên địa chất Đắk Nông trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Nổi bật nhất phải kể đến là nỗ lực thay đổi tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong quá trình xây dựng công viên địa chất. Tuy nhiên, nhận thức của chính quyền cấp cơ sở và một bộ phận người dân về công viên địa chất, du lịch bền vững, trách nhiệm bảo vệ các điểm di sản công viên địa chất và mô hình công viên địa chất để phát triển bền vững còn chưa cao. Do đó chưa phát huy được hiệu quả, nguồn lực của cộng đồng trong việc bảo vệ, quản lý, phát huy các giá trị di sản.

Mặc khác, diện tích Công viên địa chất Đắk Nông khá rộng, chiếm đến 3/4 tổng diện tích toàn tỉnh nên việc xác định các điểm di sản, quy hoạch các điểm đến trong vùng công viên địa chất và trang bị một số hạ tầng cơ bản theo tiêu chí của UNESCO/Mạng lưới như bảng thông tin, biển chỉ dẫn, bãi đậu xe, nhà vệ sinh… cần rất nhiều thời gian, công sức trong khi nguồn lực về con người, tài chính… của địa phương dành cho việc xây dựng và hoạt động của Công viên địa chất Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Thách thức hơn là hầu hết các điểm di sản địa chất đặc trưng nằm trên các diện tích canh tác nông nghiệp của người dân địa phương nên dẫn đến tình trạng xâm hại di sản một cách vô thức, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các điểm di sản của công viên địa chất.

CVĐCTC UNESCO là danh hiệu mang tính chất tổng thể và toàn diện nhưng nhân sự địa phương tại thời điểm đó chưa có sẵn và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có đủ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và khả năng quản lý, vận hành các điểm di sản, điểm đến thuộc Công viên địa chất vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khám phá hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Ảnh Ngô Minh Phương)

Khám phá hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Ảnh Ngô Minh Phương)

Một điều đáng lưu ý là danh hiệu CVĐCTC UNESCO được định kỳ tái đánh giá và công nhận lại 4 năm/lần. Do đó, một khi địa phương quyết tâm theo đuổi mô hình này thì cam kết và trách nhiệm trong việc giữ vững danh hiệu lại càng chông gai. Nếu bị phạt thẻ vàng hoặc bị rút danh hiệu thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của không chỉ tỉnh Đắk Nông mà còn là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khó khăn thử thách là vậy, nhưng với quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân địa phương cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn từ các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các chuyên gia trong và ngoài nước, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất vào tháng 6/2023. Dự kiến, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đón Bằng công nhận lại danh hiệu vào tháng 10/2024 trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 8.

Để xứng danh hiệu CVĐCTC UNESCO

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là cánh cửa đưa du lịch Đắk Nông đến bạn bè quốc tế và ngược lại, mang bạn bè quốc tế về với địa phương. Với danh hiệu cao quý này, tỉnh Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới CVĐCTC và của UNESCO, gồm 195 điểm đến là các Công viên địa chất thuộc 48 quốc gia của các khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La tinh-Vùng Caribê và khu vực Bắc Mỹ.

Bản đồ các CVĐCTC UNESCO trên thế giới (Nguồn internet)

Bản đồ các CVĐCTC UNESCO trên thế giới (Nguồn internet)

Việc gắn kết các các giá trị di sản địa phương với danh hiệu UNESCO không chỉ góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương sánh ngang với các giá trị di sản chung của nhân loại, mà còn là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nên thương hiệu để thế giới nhận diện Đắk Nông trên trường quốc tế. Danh hiệu CVĐCTC UNESCO mở ra cơ hội được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo đài quốc tế uy tín như website của UNESCO, website của các thành viên Mạng lưới CVĐCTC , hội chợ thương mại quốc tế thường niên ở Berlin,...

Bên cạnh đó, khi xây dựng thành công CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thì các tài nguyên du lịch độc đáo của địa phương được truyền thông và quảng bá ra thế giới.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định rõ “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, chúng ta cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược.

Văn nghệ chào mừng Hội nghị Quốc tế Hang động núi lửa lần thứ 20 tổ chức tại tỉnh Đắk Nông.

Văn nghệ chào mừng Hội nghị Quốc tế Hang động núi lửa lần thứ 20 tổ chức tại tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, trước hết, Đắk Nông chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị của CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, quảng bá, làm cho CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trở nên gần gũi hơn với toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Thứ hai, địa phương thực hiện công tác khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Trong đó, Đắk Nông chú trọng khôi phục, tôn tạo, xếp hạng và làm sống lại các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tri thức bản địa, sự đa dạng sinh học đã bị mai một, biến đổi hoặc xâm hại để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc phục dựng một số ngành nghề thủ công, tập tục, lễ nghi truyền thống, di tích lịch sử; cải tạo, phục hồi cảnh quan môi trường cần được chú trọng. Đồng thời, Đắk Nông đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, các tổ chức, cá nhân có chuyên môn sâu, nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu, bổ sung các giá trị khoa học vào hồ sơ CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Thứ ba, ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với các di sản của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, các điểm phát triển du lịch cộng đồng trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là yêu cầu cần thiết. Công tác mời gọi đầu tư, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch tại các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông rất cần được đẩy mạnh.

Thứ tư, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu “ CVĐCTC UNESCO Đắk Nông - Xứ sở của những Âm điệu” để định vị thương hiệu du lịch Đắk Nông trong khu vực và trên thế giới; xây dựng chương trình tiếp thị, quảng bá và kết nối phát triển du lịch của tỉnh với các trung tâm du lịch của địa phương khác trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, liên kết trong xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Thứ năm, cần chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực của Ban Quản lý Công viên địa chất, nhân sự quản lý của các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, nhân sự phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cần được quan tâm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỉnh Đắk Nông chắc chắn sẽ tạo ra những bước đi vững chắc trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu toàn cầu “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông-Xứ sở của những Âm điệu”.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.