Hành trình từ trái tim đến trái tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" được ấp ủ, "hoài thai" trong một chuyến hải trình dài thăm các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK trên thềm lục địa phía Tây Nam của Tổ quốc vào khoảng tháng 4-2015.

Hình ảnh những con thuyền đánh cá bé nhỏ, mong manh giữa biển khơi mênh mông và lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc những con thuyền của bà con ngư dân cứ hiển hiện trong tâm trí tôi suốt nhiều năm tháng. Lá cờ Tổ quốc giữa biển khơi mênh mông sao mà thiêng liêng quá đỗi! Đó là tình yêu Tổ quốc luôn dào dạt trong trái tim của triệu triệu người con đất Việt, là hồn thiêng sông núi, là biểu tượng của khát vọng hòa bình, là cột mốc chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm!

Và như một cơ duyên, ngày 1-6-2019, trong sự kiện mở đầu Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam tại Bạc Liêu do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã được phát động. Trên quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, những lá cờ Tổ quốc đầu tiên của chương trình đã được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Người Lao Động trao tận tay ngư dân, động viên bà con an tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị ngày 19-3-2023. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị ngày 19-3-2023. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tháng 9-2022, nhân kỷ niệm 3 năm thực hiện chương trình và vượt mốc 1 triệu lá cờ, chương trình được mang tên "Tự hào cờ Tổ quốc". Chương trình gồm 3 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương" và "Đường cờ Tổ quốc". Như vậy, tên mới của chương trình vừa có độ phủ lớn hơn, vừa nói lên niềm tự hào của nhân dân Việt Nam đối với Quốc kỳ thiêng liêng. Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" không chỉ là sự tiếp nối mà còn mở rộng với việc trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, quà… cho người dân sống dọc hơn 5.000 km đường biên giới và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm bảo vệ biên cương; xây dựng đường cờ Tổ quốc tại các khu di tích lịch sử, những tuyến đường trọng điểm.

Thực hiện hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", ban tổ chức đã vượt qua nhiều núi cao rừng sâu, đến với đồng bào và chiến sĩ biên phòng cả trong những lúc cao điểm chống dịch COVID-19. Ngoài ảnh Bác, cờ Tổ quốc, chương trình còn tặng máy khoan giếng, thực phẩm… trị giá hàng tỉ đồng. Chương trình đã tổ chức Lễ thượng cờ, chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (2 lần); Cột cờ tại Ngã ba Đông Dương (tỉnh Kon Tum), nơi có cột mốc chủ quyền 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tháng 5-2022, chúng tôi đã có mặt trên đỉnh La San (tỉnh Điện Biên), nơi có cột mốc chủ quyền của 3 nước: Việt Nam - Lào - Trung Quốc; trực tiếp khảo sát địa điểm xây dựng Cột cờ Quốc gia tại A Pa Chải - điểm cực Tây của Tổ quốc. Hiện nay, cột cờ này đang được xây dựng và sẽ được khánh thành trong tương lai không xa!

Công trình “Đường cờ Tổ quốc” dẫn vào Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt căn cứ Cái Chanh thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tỉnh đoàn Bạc Liêu

Công trình “Đường cờ Tổ quốc” dẫn vào Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt căn cứ Cái Chanh thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tỉnh đoàn Bạc Liêu

Hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" ra đời ngày 1-1-2022. Sau một thời gian, hàng loạt đường cờ đã được xây dựng tại nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng, như: Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Đền thờ Liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), Khu Di tích Quốc gia Đồn Long Khốt (tỉnh Long An), Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (tỉnh Bạc Liêu)…

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2024, hợp phần thứ 4 mang tên "Vững tuyến đầu, chắc hậu phương" đã ra đời, đưa dòng thông tin chính thống, tin cậy đến với cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở biên cương, hải đảo và gia đình nhiều cán bộ, chiến sĩ, tạo sự kết nối bền chặt không chỉ về thông tin mà còn là tư tưởng, tình cảm; là sự sẻ chia, thấu cảm, yêu thương!

5 năm qua (từ tháng 6-2019 đến 6-2024) là hành trình lên rừng xuống biển, gian nan, vất vả không thể nào kể hết. Nhưng những khó khăn, thử thách ấy chưa bao giờ làm chúng tôi - những người thực hiện chương trình - chùn bước. Bởi bất cứ nơi nào chúng tôi đến, bà con ngư dân hay đồng bào sống dọc tuyến biên giới và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đều hân hoan chào đón, thân thương, nồng ấm lạ thường. Những ánh mắt, nụ cười ấm áp ấy, những cái nắm tay, siết chặt ấy đã giúp những người thực hiện chương trình quên đi bao mệt nhọc đường xa, sóng lớn, gió to; thêm động lực để chúng tôi bước tiếp trên hành trình vạn dặm, từ đảo xa, biển khơi cho đến núi cao, rừng thẳm. Đó thật sự là HÀNH TRÌNH TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM!

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Đức và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cùng người dân và Đoàn công tác Báo Người Lao Động chào cờ tại cột mốc số 55. Ảnh: QUANG LIÊM

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Đức và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cùng người dân và Đoàn công tác Báo Người Lao Động chào cờ tại cột mốc số 55. Ảnh: QUANG LIÊM

Trong 5 năm qua, đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa - chính trị kéo dài gây nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Thế nhưng, với sự quyết tâm của Đảng ủy - Ban Biên tập Báo Người Lao Động, Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức chương trình; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và TP HCM; sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt thành của nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; các sở - ngành TP HCM, các địa phương trong cả nước, các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và bạn đọc gần xa… chương trình đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.

Trong 5 năm qua, Báo Người Lao Động đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 310 sự kiện trên cả nước, trao và ký kết trao 2.118.120 lá cờ Tổ quốc tại 54 tỉnh, thành. Trong đó, chương trình đã trao 1.214.370 lá cờ từ hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân 28/28 tỉnh, thành có biển; 370.150 lá cờ từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" đến đồng bào sống dọc biên giới và bộ đội biên phòng ở 25/25 tỉnh có đường biên giới trên bộ; 533.600 lá cờ từ hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" để xây dựng hơn 750 tuyến đường cờ tại 44 tỉnh, thành. Riêng tại TP HCM, đường cờ Tổ quốc đã được xây dựng ở TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện và đang tiếp tục được nhân rộng một cách mạnh mẽ ở nhiều nơi.

So với mục tiêu ban đầu, chương trình đã vượt hơn 200%. Nhưng không chỉ là con số, "Tự hào cờ Tổ quốc" còn tạo cảm hứng, là hình mẫu để nhiều đơn vị, địa phương học tập, làm theo. Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương, đơn vị đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng các đường cờ, đường cờ kết hợp đường hoa, xây dựng nếp sống văn minh; khơi dậy, vun bồi tình yêu Tổ quốc thông qua việc tặng cờ, xây dựng các đường cờ Tổ quốc, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về.

5 năm là một hành trình không ngắn nhưng dẫu sao cũng chỉ mới là sự khởi đầu. Những việc mà Ban Biên tập Báo Người Lao Động, Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" làm được so với nhu cầu, kỳ vọng của người dân, bạn đọc thì hãy còn rất nhỏ.

Chúng ta đã cùng nỗ lực thắp lên một ngọn lửa trong tim mỗi người - ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của khát vọng hòa bình, của chủ quyền thiêng liêng. Xin hãy cùng nhau tiếp tục giữ gìn, thắp sáng ngọn lửa ấy cho con cháu muôn đời sau!

TP Hồ Chí Minh, tháng 6-2024.

Có thể bạn quan tâm

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Trong khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy nhà nước, thì nhiều người dùng mạng xã hội vì muốn tăng tương tác, “bắt trend” (xu hướng đang nổi) đã sẵn sàng đăng hoặc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác hoặc thậm chí là tin giả.

Việc gì khó có thanh niên

Việc gì khó có thanh niên

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029) diễn ra trong giai đoạn đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, vai trò của thanh niên càng quan trọng khi đây là lực lượng quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Hôm nay, ngày 17-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ IX khai mạc tại Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của tổ chức hội và phong trào thanh niên cả nước.

Trách nhiệm an sinh xã hội

Trách nhiệm an sinh xã hội

Bên cạnh đau đớn về thể chất lẫn tâm lý, người bệnh ung thư còn nhiều lo toan về chi phí chữa trị, từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Có những gia đình từ khá giả đã rơi vào kiệt quệ, phải bán tài sản, vay mượn khắp nơi, thậm chí vay nóng để điều trị ung thư.

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Kỳ vọng đầu tư công 'chạy nước rút'

Kỳ vọng đầu tư công 'chạy nước rút'

Theo dự kiến, hơn 10 ngày nữa một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra tại TPHCM: tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức được đưa vào vận hành! Sự kiện này sẽ đem lại luồng sinh khí mạnh mẽ không chỉ cho giao thông mà còn cho cả sự nhộn nhịp kinh tế - xã hội của TPHCM.