Hàng ngàn hecta rừng thông phòng hộ chết đứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng ngàn hecta thông phòng hộ, tạo cảnh quan trên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đang trơ trụi vì liên tục bị đốt phá, ken cây và khoan gốc bơm thuốc độc
Đầu tháng 6, chúng tôi có chuyến khảo sát cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh đoạn qua 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và không khỏi xót xa khi chứng kiến có đến hàng ngàn cây thông chết đứng. Nghiêm trọng nhất là hàng ngàn cây thông ở khu vực qua 2 xã Nâm N’Jang, Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) và đoạn xã Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) bị khoan gốc bơm thuốc hoặc ken cây đang chết khô.
Đổ thuốc để triệt hạ cây
Tại Km 1872 (xã Nâm N’Jang), hàng trăm cây thông có đường kính từ 30 - 50 cm đang khô lá, bị tàn phá bằng cách khoan lỗ ở gốc rồi bơm thuốc vào. Một số ít cây còn lại nhìn xa lá vẫn xanh nhưng lại gần cũng bị đầu độc, đang chết dần. Trên một cây thông vừa bị đầu độc tại đây vẫn còn tấm biển ghi: "Vì môi trường trong lành, tuổi trẻ Đắk Song chung tay bảo vệ rừng để quê hương xanh - sạch - đẹp". Tại khu vực này, ở sát mép đường, hàng ngàn mét khối đất mới được san ủi, vùi lấp những gốc thông vừa bị đốn hạ.
Tương tự, tại một số vị trí qua xã Trường Xuân, những hàng thông dọc đường cũng bị đầu độc, đốt cháy. Một cây thông vừa bị đầu độc, lá đang khô dần vẫn còn mang trên mình 2 tấm biển của lực lượng kiểm lâm có nội dung: "Diện tích rừng bị phá trái pháp luật, nghiêm cấm đốt dọn, trồng tỉa" và "Cấm nhổ, phá cây thông mới trồng, cấm chăn thả trâu, bò, gia súc và khu vực rừng trồng".
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 2.000 cây thông chết do bị ken cây, đầu độc. Mục đích của việc làm này chủ yếu là lấy đất sản xuất, buôn bán, mở các dịch vụ bên đường. Dù toàn bộ số cây thông bị chết đều nằm trong diện tích đã được giao khoán. Hạt Kiểm lâm đang đề xuất thu hồi diện tích rừng thông do các hộ dân nhận khoán mà quản lý, bảo vệ không hiệu quả để giao cho các hộ dân khác.
Tại Đắk Lắk, tình trạng bức tử rừng thông ven đường Hồ Chí Minh cũng xảy ra nghiêm trọng trong thời gian qua. Tại xã Cư Né (huyện Krông Búk), hàng trăm cây đã bị đốn hạ, hàng trăm cây khác bị đầu độc, ken quanh thân chờ chết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, rừng thông phòng hộ, tạo cảnh quan dọc đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ea H’leo và huyện Krông Búk được trồng với diện tích hơn 2.000 ha nhưng đến nay chỉ còn lại khoảng 500 ha và đang tiếp tục bị đe dọa.
 
Rừng thông phòng hộ, cảnh quan dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bị tàn phá. Ảnh: CAO NGUYÊN
Gọt vỏ thông bán cho thương lái Trung Quốc?
Tại tỉnh Gia Lai, những vạt rừng thông ở khu vực làng Đê Bơ Tứk, xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang cũng đang ngả vàng vì thân cây bị gọt vỏ xung quanh, đốt gốc. Xung quanh có nhiều cây thông bị đốn hạ, một số cây đã bị lấy đi phần thân chỉ còn trơ lại gốc, một số cây bị đốt cháy nham nhở. Những cây thông còn sống cũng đang chết dần chết mòn vì phần gốc mới bị gọt vỏ xung quanh khiến nhựa thông rỉ ra đỏ như máu. Nhiều cây thông đang chết đứng khi trên thân cây còn đang treo bảng cấm ken cây, chặt cây, phá rừng, đốt rừng và lấn chiếm đất rừng.
Ông Đinh Văn Trứ, Chủ tịch UBND xã Đắk Jơ Ta, nói người dân phá hoại rừng thông để lấy củi và lấy đất sản xuất. Để ngăn chặn, chính quyền địa phương đã phối hợp với đơn vị chủ rừng đào rãnh ngăn cách, làm hàng rào thép gai bao quanh các khu vực tiếp giáp với đất của dân để tránh xâm lấn. Đã phát hiện được 5 hộ dân thực hiện hành vi xâm hại rừng thông.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang, nói rằng tình trạng người dân ken cây thông để lấn đất diễn ra ở nhiều nơi chứ không riêng tại đơn vị ông. Còn tại các cánh rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, qua kiểm tra xác định có gần 1.000 cây thông bị róc vỏ, chết khô. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai bắt quả tang Phạm Minh Ngọc (SN 1981; ngụ xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) mua bán, vận chuyển vỏ thông trái phép với số lượng lớn. Kiểm tra điểm tập kết của đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ đến 103 bao chứa vỏ thông, với khối lượng gần 3,5 tấn.
Đối tượng Ngọc khai nhận thu mua số vỏ thông trên tại một số xã của huyện Đắk Đoa để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc bán cho thương lái người Trung Quốc với giá khoảng 8.000 đồng/kg.
Không phải hết cách

Trong khi phần lớn rừng thông dọc đường Hồ Chí Minh đang ngày đêm bị tàn phá thì tại huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) rừng thông ven đường được bảo vệ khá tốt. Hai huyện giáp nhau nhưng phía huyện Krông Búk rừng thông bị bức tử gần hết, còn huyện Ea H’leo vẫn giữ được rừng. Theo hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, huyện đã vạch đường phân giới, cắm mốc và giao khoán cho từng hộ dân trực tiếp quản lý với chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra trên chính diện tích đã giao khoán cho dân, nhờ đó đã giữ được rừng.

Cao Nguyên-Hoàng Thanh (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm