Do ảnh hưởng của không khí lạnh, tại tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, cùng với đó các hồ chứa nước, hồ thủy điện xả lũ đã làm cho nhiều huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà ngập và chia cắt nhiều nơi.
Mưa to kèm theo xả lũ đã làm ngập lụt ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN) |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp khẩn cấp, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống mưa, lũ.
Theo đó, lực lượng tại chỗ ở các địa phương tiến hành sơ tán người và tài sản của nhân dân ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Đối với vùng núi, khu vực người dân sống ven sông suối, triền đồi, chủ động các biện pháp phòng chống lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Vùng đồng bằng, hạ lưu các hồ đập chủ động các phương tiện, dụng cụ kê cao vật dụng, đồ đạc, lương thực giúp nhân dân tránh lũ an toàn.
Các hồ chứa nước và nhà máy thủy điện tiến hành xả lũ điều tiết nước. Cụ thể, thủy điện Hố Hô đã xả nước lưu lượng 208 m3/s; hồ Kẻ Gỗ xả lưu lượng 250 m3/s; hồ Sông Rác xả 200 m3/s; hồ Sông Trí xả với lưu lượng 100 m3/s và một số hồ chứa Bộc Nguyên, Kim Sơn, Tàu Voi xã lũ từ 10 đến 50 m3/s.
Mưa to kèm theo xả lũ ở các hồ nước, nhà máy thủy điện đã khiến các xã của huyện Hương Khê là Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang và một phần diện tích của xã Hương Trạch, Lộc Yên bị ngập.
Nhiều tuyến đường liên xã bị ngập từ 0,5 đến 1,0 me1t. Tại huyện và thị xã Kỳ Anh có trên 400 nhà dân bị ngập sâu một mét. Cầu Bòng ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh bị trôi mố. Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh bị ngập sâu gần một mét.
Tại các vùng hạ lưu thuộc hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Sông Rác, nhiều xã của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà bị ngập, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Chính quyền xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - địa phương ngay dưới hạ lưu hồ Kẽ Gỗ đã bố trí lực lượng tại chỗ của tất cả 15 thôn, dùng thuyền và các phương tiện giúp nhân dân kê cao lương thực, thực phẩm, sơ tán gia súc, người già, trẻ em đến nơi an toàn. Cẩm Duệ có trên 2.000 hộ dân, hiện có khoảng 500 đến 600 hộ đã bị ngập.
Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn công tác về địa phương chỉ đạo các đơn vị giúp nhân dân di dời người và tài sản, gia súc đến nơi an toàn. Các lực lượng Công an, Quân đội và Dân quân tự vệ ở các địa phương sẵn sàng công tác di dời và ứng cứu người dân trong vùng lũ với phương châm "bốn tại chỗ".
Các trường học trên địa bàn vùng lũ cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch dạy bù theo đúng quy định.
Theo Thanhnien