(GLO)- Gùi ở làng Amo (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cũng giống như gùi ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác: mộc mạc, hồn hậu và chứa đựng những mạch nguồn văn hóa sâu xa. Song gùi làng Amo được nhiều người biết đến nhờ kiểu dáng và hoa văn trên thân gùi rất tinh xảo và độc đáo. Có lẽ nhờ sự khác biệt ấy, gùi làng Amo đã trở thành một địa chỉ quen thuộc mỗi khi du khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa và mua gùi về làm kỷ niệm.
Độc đáo gùi nắp
Ảnh: Đinh Yến |
Tôi về làng Amo vào một buổi sáng đầu năm. Nơi đây, tôi được chiêm ngưỡng nhiều kiểu dáng gùi của các cô gái Jrai đang chuẩn bị lên rẫy. Ấn tượng nhất là chiếc gùi nắp (loại có nắp đậy trên miệng) và chủ nhân của chiếc gùi này là nghệ nhân Rơ Châm Jeh-một trong những “bàn tay vàng” của làng. Nói về chiếc gùi độc đáo này, nghệ nhân Rơ Châm Jeh, cho hay: Muốn làm được một chiếc gùi nắp, trước tiên phải chọn những cây lồ ô to, đẹp và những sợi mây rừng thật dẻo. Sau đó là chẻ nan, nan cũng cần phải vót trơn nhẵn, đều đặn để khi đan mới tạo ra được độ kín và khít.
Nét độc đáo, khác lạ của chiếc gùi nắp so với những chiếc gùi khác là trên thân gùi có hoa văn được phỏng theo hoa văn trên các trang phục của các cô gái Jrai. Sợi nan để tạo nên những hoa văn ấy phải được nhuộm nâu bằng loại cây rừng có tên Tơ-rat do các trai làng kiếm về. Theo nghệ nhân Jeh, đan gùi nắp khó nhất là đan nắp đậy. Phải đan sao cho nắp vừa khít với miệng gùi mới toát lên được vẻ độc đáo khác lạ của chiếc gùi nắp. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào nắp chiếc gùi đủ biết người đan có đôi bàn tay như thế nào. Riêng phần chóp nắp gùi cũng đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra chóp nhọn vừa đẹp, vừa kín đáo mà tiện cho việc cầm đóng, mở nắp. “Để hoàn thành một chiếc gùi nắp lớn, cao khoảng 80 cm đòi hỏi người đan phải tốn nhiều công sức, có khi mất hàng tháng trời mới xong. Do đó, loại gùi này chỉ được người dân dùng trong các dịp quan trọng như lễ pơ-thi mà thôi”-nghệ nhân Jeh chia sẻ.
Gìn giữ “hồn” làng
Ảnh: Đinh Yến |
Từ thời xa xưa, người dân làng Amo đã truyền dạy cho con cháu rằng, gùi là vật dụng thân thiết nhất trong cuộc sống, nếu hàng ngày người Jrai thiếu đi những chiếc gùi thì sẽ làm cái chân, cái tay vất vả lắm! Bởi thế, cứ lớp người già dạy cho lớp người trẻ, dù rừng có thay đổi nhưng những khóm lồ ô không được lụi tàn. Vì thế mà ở bờ suối hay góc rẫy của người dân làng Amo từ trước đến nay, những khóm lồ ô vẫn luôn xanh tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho người dân trong làng và nhiều làng lân cận. Đang hoàn tất “bộ gùi” gồm 5 chiếc để tặng cho vợ, con gái và cháu gái vào mùa cúng rẫy tháng 3, nghệ nhân Đinh Noih, tâm sự: “Nhà mình nhiều con gái, cháu gái lắm. Nên cứ khi nào rảnh rỗi mình lại tranh thủ đan gùi vừa để làm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, vừa có thêm thu nhập, nhưng hơn hết là để đôi tay không bị mất cảm giác”.
Theo quan niệm của người dân làng Amo, đan gùi là công việc của đàn ông và sẽ chứng tỏ sự trưởng thành của họ. Người nào đến tuổi lấy vợ mà chưa biết đan gùi thì bị dân làng cười chê, khó lấy vợ lắm! Vì thế, trai tráng làng Amo hầu như ai cũng biết đan gùi, song đan gùi đẹp phải kể đến các nghệ nhân: Rơ Châm Jeh, Đinh Noih và già Rơ Mah Pem… Già Pem là người có thâm niên lâu nhất làng với nghề đan gùi, ông bắt đầu đan khi vừa tròn 15 tuổi. Hơn 60 năm qua, đôi tay tài hoa của già đã tạo nên hàng trăm chiếc gùi tinh xảo. Già Rơ Mah Pem, cho rằng, muốn có được chiếc gùi đẹp và bền, thì khâu quan trọng nằm ở chỗ phơi nan, vót nan. Nan phải vót đều đặn, có độ cong vừa và phơi trong 10 ngày, sau đó vót lại cho đẹp để khi đan, gùi càng để lâu những thanh nan lên màu nâu đỏ càng đẹp mắt.
Chính sự tỉ mẩn, kỹ lưỡng trong từng công đoạn, người dân làng Amo đã tạo nên sự độc đáo và “thương hiệu” gùi của riêng mình. Giờ đây, gùi làng Amo không đơn thuần là vật dụng phục vụ trong sinh hoạt mà còn trở thành món quà lưu niệm cho những người khách gần xa. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP. Pleiku đã tìm về làng để đặt hàng. “Mới đây nhất, làng Amo tiếp đón một đoàn khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh về làng tìm hiểu về những chiếc gùi và đặt mua gùi về làm kỷ niệm. Chỉ một ngày mà già đã bán được 20 chiếc gùi, 300.000 đồng/chiếc”-già Pem tự hào.
Tuy nhiên, đan gùi chưa phải là công việc mang lại thu nhập chính, song người dân làng Amo cho rằng, phải đan thường xuyên, vì lâu không làm, tay mất cảm giác, vót nan không đều, tay đan không chặt nữa thì những chiếc gùi không còn đẹp và tinh xảo. Và sâu xa hơn thế, việc gìn giữ nghề đan gùi cũng chính là giữ bên mình một “người bạn” và giữ cái “hồn” cho làng.
Đinh Yến