Gran nơi gìn giữ linh hồn cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong khi nhiều làng đang dần vắng tiếng cồng chiêng thì làng Gran (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) còn lưu giữ đến 11 bộ cồng chiêng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Siu Khlơi, người được dân làng yêu quý và nể phục bởi những đóng góp trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ông Khlơi cho biết, gia đình ông hiện còn lưu giữ 2 bộ chiêng. Nói rồi ông liền vào trong phòng lấy ra 1 bộ chiêng, hướng dẫn kỹ thuật đánh chiêng như thế nào cho đúng nhịp. Vừa hướng dẫn, ông vừa đánh thử vài nhịp quen thuộc của những bài chiêng mà làng hay biểu diễn trong lễ mừng lúa mới, bỏ mả…

 

Ông Siu Khlơi, người dành cả cuộc đời gắn bó với cồng chiêng. Ảnh: L.H.H
Ông Siu Khlơi, người dành cả cuộc đời gắn bó với cồng chiêng. Ảnh: L.H.H

Ông Siu Khlơi kể: “Mình yêu thích cồng chiêng từ lúc còn nhỏ. Rồi cứ mỗi khi trong làng có lễ hội, mình lại tham gia tập luyện và dần dần đánh thành thạo một số bài quen thuộc. Muốn đánh chiêng hay thì phải có sự đam mê và tập luyện lâu dài, chứ tập 1,2 ngày thì rất khó sử dụng”.

Còn ông Siu Dơng, một người uy tín của làng Gran, cho hay: Hiện nay, mặc dù một số hộ gia đình trong làng vì cuộc sống khó khăn nên đã bán đi bộ chiêng quý, nhưng với ông việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc lúc nào cũng được đặt lên vị trí hàng đầu, bởi lẽ nếu cồng chiêng bị mai một thì các cháu thanh-thiếu niên lớn lên sẽ không hiểu biết gì về những loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Chia sẻ về bí quyết để bảo tồn cồng chiêng, ông Siu Krế-Bí thư chi bộ làng Gran, cho biết: “Mỗi khi tổ chức họp làng, tôi đều kết hợp tuyên truyền cho bà con về việc giữ gìn các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có cồng chiêng. Trong làng hiện có 1 đội cồng chiêng với 18 người tham gia. Cứ có lễ hội gì, các nghệ nhân lại tham gia rất nhiệt tình, nhiều người còn chỉ dạy cho các cháu thanh-thiếu nhi các bài chiêng cổ. Hiện trong làng có khoảng 50 người sử dụng được cồng chiêng và đánh thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc”.

Lê Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.