Gỡ "nút thắt" trong quy định công bố sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thay vì phải gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan quản lý nhà nước để xác nhận như trước đây thì doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình. Đây là một nội dung trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đánh giá, quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan chức năng chủ động hơn trong công tác quản lý.

Ông Nguyễn Phú Khang-Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Hoàng Huynh Khang (phường Tây Sơn, TP. Pleiku), cho rằng, Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc công bố sản phẩm, rút ngắn thời gian cũng như giảm bớt các thủ tục qua nhiều cấp và nhiều cơ quan chức năng. “Ngoài các sản phẩm hiện có như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, Công ty đang tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm như: viên nghệ mật ong, gừng mật ong… Quy định mới sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc đăng ký và công bố sản phẩm cũng như tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm”-ông Khang cho biết.

 

Doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi hơn. Ảnh: L.L
Doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi hơn. Ảnh: L.L

Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, quy định trên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đăng ký, công bố sản phẩm mà còn giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn và giảm tải các thủ tục hành chính. Theo đó, doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm đã công bố. Trong quá trình hậu kiểm, nếu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn như công bố thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm nhưng khi cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng xử lý nếu vi phạm.

Đối với các doanh nghiệp, quy định trên đã giúp họ gỡ “nút thắt” trong việc xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm để công bố. “Không ai hiểu rõ chất lượng sản phẩm bằng doanh nghiệp, nhất là với mặt hàng thực phẩm. Việc tự công bố sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn dựa vào chất lượng thực tế của sản phẩm và tùy từng thị trường sẽ sản xuất những sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng phù hợp”-ông Nguyễn Phú Khang chia sẻ. Cũng theo ông Khang, quy định mới này sẽ là nền tảng để Công ty mạnh dạn hiện thực hóa việc xây dựng xưởng sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000.

Ngoài ra, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP còn quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm như: thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm biến đổi gen và nhiều quy định khác liên quan đến kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Đặc biệt, những quy định đối với việc ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm; những điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm… sẽ là những công cụ để siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).