Giữ gìn 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam may mắn khi sở hữu loại sâm thuộc hàng quý hiếm, thứ đáng mơ ước của thế giới, đó là sâm Ngọc Linh.
 
Cần bảo vệ cây sâm Ngọc Linh quý hiếm trước nạn làm giả, nhái. Ảnh: Đình Văn
Gọi sâm Ngọc Linh bởi chúng vốn chỉ có thể trồng ở ngọn núi Ngọc Linh, thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, và cho chất lượng cực tốt. Vì thế, sâm Ngọc Linh được ví là “quốc bảo”, nghĩa là bảo vật quốc gia, của Việt Nam.
Sâm có nhiều nước trồng được, như Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Trung Quốc... nhưng chất lượng không thể sánh với sâm Ngọc Linh. Ngay ở Hàn Quốc, đất nước “chuyên canh” sâm lớn nhất thế giới, sâm có hàm lượng saponin cũng chỉ bằng một nửa so với sâm Ngọc Linh của Việt Nam.
Thế nhưng, thương hiệu của loại sâm Ngọc Linh này có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thói tham lam vô độ của một số gian thương. Họ đưa nhiều loại sâm từ các vùng khác đến, ở cả nước ngoài, du nhập Việt Nam, dùng “tiểu xảo” rồi dán mác sâm Ngọc Linh để kiếm lợi nhuận. Mỗi ký sâm ở nơi khác giá có khi chỉ 8 - 10 triệu đồng, khi “gắn mác” sâm Ngọc Linh thì bán với giá 200 triệu đồng/kg. Rất nhiều người tiêu dùng bị lừa, phải “ngậm đắng nuốt cay”. Nhưng tổn thất to lớn hơn là nguy cơ thương hiệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam bị “xóa sổ”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động bảo hộ sản phẩm cho những đặc sản vùng miền, như: thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi Năm Roi, bưởi da xanh... Những sản vật này cũng lâm vào cảnh lao đao, chật vật vì phải đối phó với nạn làm giả, làm nhái. Do vậy, chiến lược bảo vệ đặc sản, “quốc bảo” như SNL và nhiều sản vật khác, không nên chỉ tồn tại trên lý thuyết. Thử đem một vụ giả sâm Ngọc Linh xử hình sự xem, gian thương có “co vòi”?
Đình Văn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm