Giọt hồng cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hành trình Đỏ 2017 vừa dừng chân tại Gia Lai trong 2 ngày (14 và 15-7). Cùng với sự đón tiếp nhiệt tình, phối hợp chặt chẽ của Ban tổ chức Hành trình Đỏ tỉnh Gia Lai và đội ngũ tình nguyện viên, chương trình đã diễn ra thành công, thu hút gần 1.000 người hưởng ứng và tham gia.

Đội mưa đi hiến máu

Sáng 15-7, TP. Pleiku xuất hiện những cơn mưa kéo dài nhưng không vì thế mà Ngày hội Giọt hồng cao nguyên mất đi không khí náo nhiệt. Ngay từ sớm, hàng trăm người khoác áo mưa đến Nhà Thiếu nhi tỉnh-nơi diễn ra ngày hội-để đăng ký tham gia hiến máu. Họ là những cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, sinh viên đang làm việc và học tập tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn TP. Pleiku. Mặc cho bên ngoài trời mưa tầm tã, mọi người nhanh chóng đăng ký, nghiêm túc xếp hàng đợi đến lượt xét nghiệm và hiến máu. Các chiến sĩ Hành trình Đỏ và tình nguyện viên cũng hết sức nhiệt tình trong việc tổ chức, hỗ trợ mọi người đến tham gia ngày hội.


 

 Đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu. Ảnh. Đ.T
Đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu. Ảnh. Đ.T

Có mặt từ khá sớm, anh Chu Anh Thuận (Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh) kiên nhẫn đợi được gọi tên. Từ khi còn là sinh viên, anh Thuận đã tham gia hiến máu. Việc làm nhân ái ấy được anh duy trì đều đặn hàng năm mỗi khi cơ quan, đơn vị hay tỉnh tổ chức hiến máu. Anh Thuận chia sẻ: “Năm 2006 là lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu. Đến nay, tôi cũng đã tham gia hiến máu được gần 20 lần rồi. Tôi thấy hiến máu rất có lợi cho sức khỏe và có ý nghĩa đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu. Vì thế, ngoài việc tự giác tham gia hiến máu, tôi còn vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này”.

Khá tươi tắn, vui vẻ sau khi hiến máu, bạn Trần Phạm Hậu Thiện (27 tuổi, hiện đang công tác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Phố Núi), chia sẻ: “Đây là lần thứ 10 tôi hiến máu nên cũng không còn cảm giác lo lắng nhưng sự xúc động thì vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi lần hiến máu xong, tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái, giống như mình vừa trao đi một điều gì đó rất ý nghĩa, góp phần cứu sống người bệnh”.

Với sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Ngày hội Giọt hồng cao nguyên đã thu hút 650 người đăng ký tham gia hiến máu và nhận được 564 đơn vị máu. Đó là tấm lòng nhân ái của người dân Gia Lai gửi tới những bệnh nhân đang rất cần những giọt máu quý giá để có thể được sống, được tiếp tục cống hiến cho gia đình, cho xã hội.

Sức trẻ Hành trình Đỏ

Những ngày qua, TP. Pleiku đỏ rực bởi màu áo của 80 chiến sĩ Hành trình Đỏ 2017 và các tình nguyện viên trong tỉnh. Chiều 14-7, đoàn hành trình đã đi qua các tuyến phố Trường Chinh-Nguyễn Tất Thành-Lê Lợi-Anh hùng Núp, tập trung tại Quảng trường Đại Đoàn Kết dưới Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Sắc đỏ rực rỡ khắp phố phường cùng với băng rôn, biểu ngữ và loa phát thanh vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo và phòng-chống căn bệnh tan máu bẩm sinh-Thalassemia đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân TP. Pleiku.


 

Những bước chân
Những bước chân đầy nhiệt huyết của các chiến sĩ Hành trình Đỏ 2017.
Ông Phạm Tuấn Dương-Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phó Trưởng ban tổ chức Hành trình Đỏ năm 2017: “Qua 4 năm tổ chức, chương trình Hành trình Đỏ đã góp phần nâng cao nhận thức cho hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện và một trong những căn bệnh gây thiếu máu đe dọa mạng sống người bệnh và phá hủy hạnh phúc của nhiều gia đình đó là căn bệnh tan máu bẩm sinh. Chương trình “Hành trình Đỏ” lần thứ 5-2017 được tổ chức ở nước ta dự kiến sẽ có hàng chục ngàn người hiến máu tại các ngày hội hiến máu ở 28 tỉnh/thành phố. Lượng máu tiếp nhận được sẽ góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè, cứu giúp hàng chục ngàn người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo”.

Để được là thành viên Hành trình Đỏ 2017, 80 chiến sĩ đã phải vượt qua khoảng 5.000 ứng cử viên, xuất sắc vượt qua 3 tháng trải nghiệm, tập huấn, sinh hoạt đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng nhiều thú vị.

Bạn Trần Thị Như Tình (SN 1996, sinh viên năm cuối Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Đây có lẽ là hành trình đáng nhớ nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của em khi đi dọc chiều dài đất nước cùng nhiều bạn trẻ khác. Trước khi đến với Hành trình Đỏ, em là một người khá nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp. Sau khi cùng các bạn trải qua khóa huấn luyện, em đã mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều. Những kiến thức về máu được trang bị đã giúp em hiểu hơn ý nghĩa cũng như trách nhiệm vận động mọi người tìm hiểu tham gia hiến máu tình nguyện”. Trong suốt chặng đường từ Nam ra Bắc, qua mỗi chặng hành trình, các chiến sĩ Hành trình Đỏ đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết, sôi nổi đến người dân các địa phương, kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến máu tình nguyện, chung tay kết nối dòng máu Việt.

Kết nối dòng máu Việt

Đây là năm thứ 2 Gia Lai vinh dự là một trong 28 điểm dừng chân của chương trình Hành trình Đỏ. Có thể thấy, qua từng năm, nhận thức của người dân trong tỉnh về hiến máu tình nguyện ngày càng được nâng cao, công tác vận động hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh cũng luôn được đẩy mạnh. Phát biểu tại đêm Gala Giọt hồng cao nguyên (tối 14-7), bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Hành trình Đỏ tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện trong các tầng lớp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, người lao động trong các doanh nghiệp... Lượng máu được tiếp nhận năm sau luôn cao hơn năm trước và đã cơ bản đáp ứng nhu cầu máu cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”.

Hành trình xuyên Việt mang theo thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” đã đi được hơn nửa chặng đường. Rồi đây, trên khắp mọi miền Tổ quốc, đâu đâu cũng luôn có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng cho đi những giọt hồng để cứu sống người bệnh.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.