Giật mình vì nhiều người Việt vẫn tưởng loại củ cực độc là... nhân sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều người lầm tưởng cây thương lục (loại cây có nhiều độc tính) là nhân sâm nên đã tự dùng gây ra những vụ ngộ độc cấp. Theo các chuyên gia, ngộ độc thương lục có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Củ thương lục giống hệt nhân sâm nên dễ nhầm
Củ thương lục giống hệt nhân sâm nên dễ nhầm



Ngày 9-7, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ ngộ độc do uống rượu ngâm cây thương lục khiến 6 người phải nhập viện trong tình trạng: choáng váng, nôn mửa và tiêu chảy.

Qua xét nghiệm, nguyên nhân vụ ngộ độc được xác định là do 6 người này đã uống rượu có ngâm củ cây thương lục, trong khi đó kết quả xét nghiệm các loại thực phẩm khác đều âm tính và đạt trong giới hạn cho phép.

Với hình dáng khá giống với nhân sâm, đặc biệt là khi ngâm rượu cũng có mùi rất giống nhân sâm, nhiều người nhầm tưởng nên đã dùng củ cây thương lục ngâm rượu uống mà không biết đến độc tính chết người của giống cây trên.

Đây không phải là lần đầu tiên có người bị ngộ độc cây thương lục.

Trước đó, phản ánh tới báo điện tử Infonet.vn gia đình bà Nguyễn Thị T. trú ở thành phố Nam Định cũng trồng nhiều cây “sâm lạ” sau khi được bạn bè giới thiệu.

Sâm lớn rất nhanh và chỉ trồng được gần một năm, bà T thu hoạch, rửa sạch "củ sâm" để mang đi ngâm rượu. Nhìn củ sâm thơm ngon, mùi như nhân sâm bà T. cắt lấy một lát nhỏ nhấm ăn. Chỉ nửa tiếng sau, bà bị ngộ độc nôn ói, vật vã phải đi viện cấp cứu.

 Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng cấp cứu cho bệnh nhân Trần Thị Ngại (68 tuổi, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) rơi vào nguy kịch do ngộ độc khi ăn củ sâm nhà trồng.

Người nhà cho hay, hai ngày trước bà Ngại đào củ sâm trong vườn, bà Ngại mang rửa sạch, cắt một lát nhỏ ăn. 30 phút sau, bà bị nôn, đau đầu, sức khỏe suy kiệt, được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Theo TS Phạm Việt Hoàng-Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học Viện Y học Cổ truyền Trung ương với những hình ảnh người dân cũng cấp đây là cây thương lục rất giống với cây nhân sâm nên hay bị nhầm lẫn.

TS Hoàng cho biết các sách đông y ghi chép lại rằng cây thương lục, xuất xứ ở Bắc Mỹ, được thuần hóa ở Châu Âu và nhiều nước khác, trong đó có nước ta.

Ở Việt Nam, thương lục có khác nhiều tên gọi khác nhau như: bạch mẫu kê, sơn la bạc, dã la bạc, kim thất nương, trưởng bất lão…

Theo đông y, thương lục là loài cây có độc ở tất cả các bộ phận từ củ, thân, lá và hoa, nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy các loại chất độc, đắng gọi là phytolaccatoxin.

Khi cơ thể hấp thu liều lượng nhiều chất trên sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật , liệt hô hấp, hôn mê tim đập nhanh; tinh thần hoảng hốt, nói lảm nhảm và có thể dẫn đến tử vong nếu không kịp thời cấp cứu. Khi bị ngộ độc, nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các bước sơ cứu cần thiết trước khi quá muộn.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chứng minh trong rễ thương lục có chất steroid saponin, chất này có tác dụng diệt tinh trùng, nhiều muối kali nitrat, acid oxymyristinic,…trái thương lục chứa acid phytolaccic, tanin, sáp, chất béo, pectin, chất nhầy glucose, các protid, anthocyanosid..Trong lá thương lục có glucosid, cũng là độc chất, flavonoid, vitamin C…Thương lục có tác dụng long đàm nhưng không giảm ho suyễn, ức chế với mức độ khác nhau đối với một số trực khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da; nâng cao tính miễn dịch của cơ thể..

 

 Hình dáng cây thương lục
Hình dáng cây thương lục



Để nhận biết cây thương lục với nhân sân, theo TS Hoàng, hình dáng của cây là loài cây thảo, sống nhiều năm, thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh, lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12-25 cm, rộng 5-10 cm, cuống lá 3cm, đầu lá nhọn tù, gốc lá nhọn, thương lục trưởng thành có cây cao hơn 1m, có củ mập, to khá giống với củ sâm, sau khoảng 8 tháng củ có thể to cỡ cổ tay người lớn.

Thương lục có chùm hoa đối diện với lá nhưng không gắn trước lá, cao 15-20 cm, 5 lá đài trắng, hình cầu dẹt, hạt đen, dẹp, hình thận hay tròn.

Chính vì dễ trồng, mau lớn, có hình dạng bên ngoài và mùi vị sau khi ngâm rượu rất giống mùi nhân sâm nên nhiều người đã đào rễ, cắt lát, phơi khô hoặc để cả củ (hình) dùng ngâm rượu để uống mà hoàn toàn không hay biết là mình đang đưa các chất độc vào cơ thể.

TS Hoàng khuyến cáo không nên ngâm các loại củ, cây lạ vào rượu bởi không biết tính chất độc dược của nó như thế nào.

Theo infonet

Có thể bạn quan tâm