Huyện Đak Đoa hiện có hơn 31.465,2 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 8.767,9 ha rừng phòng hộ, 3.426,3 ha rừng đặc dụng, hơn 19.271 ha đất rừng sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 2022, UBND các xã Kon Gang, Hà Đông đã thực hiện giao khoán 3.798,9 ha cho 7 cộng đồng với 131 hộ dân bảo vệ; Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa giao khoán 4.814,3 ha rừng cho 22 nhóm hộ và 3 cộng đồng; Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giao khoán 1.400 ha rừng cho 3 nhóm hộ.
Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Hà Đông tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: G.H |
Ông Bêu-Trưởng thôn Kon Pơ Dram (xã Hà Đông) cho hay: “Sau khi được UBND xã giao khoán bảo vệ hơn 2.025 ha rừng, chúng tôi đã tổ chức họp dân và xây dựng quy ước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng để dân làng thực hiện. Theo đó, người dân tuyệt đối không thực hiện các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép; không làm cháy rừng; không mua bán, trao đổi và vận chuyển lâm sản trái phép; thực hiện nghiêm quy định của Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, làng chia ra làm 5 nhóm hộ và phân công cụ thể từng khu vực để quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tuần, các nhóm phân công người đi tuần tra, nếu phát hiện có hành vi phá rừng thì lập tức ngăn chặn, sau đó báo tin cho trưởng thôn, kiểm lâm địa bàn, cán bộ UBND xã để xử lý. Mỗi người đi tuần tra rừng theo lịch phân công được trả 200 ngàn đồng/ngày. Nhờ đó, người dân trong làng vừa bảo vệ được rừng, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Theo ông Võ Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông: Qua công tác tuyên truyền, vận động, các hộ dân nhận khoán đã nhận thức được vai trò, tác dụng của rừng đối với môi trường sống, biết được ranh giới giữa đất có rừng và đất chưa có rừng. Trên cơ sở đó, họ tuyên truyền cho người thân, những người sống cùng trong cộng đồng về việc quản lý, bảo vệ rừng.
Khi ý thức được nâng lên, người dân không còn phá rừng làm nương rẫy, hạn chế tình trạng du canh; đồng thời tham gia tích cực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, các hộ người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập bình quân 11-16 triệu đồng/người/năm tùy vào tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả.
Tương tự, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND xã Kon Gang đã giao khoán cho 4 cộng đồng làng Ktu, Kóp, Klót, Krái bảo vệ 397,6 ha rừng. Ông Phạm Đình Duy-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ktu-cho biết: “Cộng đồng làng nhận quản lý, bảo vệ 178 ha rừng. Chúng tôi chia ra làm 2 tổ và phối hợp với Ban Nhân dân thôn đi tuần tra rừng 3 buổi/tuần. Nhờ tuần tra thường xuyên nên khi phát hiện người dân sử dụng lửa rừng thiếu an toàn, chúng tôi đều nhắc nhở, hướng dẫn để họ sử dụng lửa rừng an toàn, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, không phá rừng”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang thì thông tin: Từ năm 2019, UBND xã đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng. Việc giao khoán cho các cộng đồng giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các cộng đồng đã phân công lực lượng tuần tra nên phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng.
Hà Đông là xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Đak Đoa và triển khai hiệu quả giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Gia Hưng |
Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng triển khai giao khoán cho các nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Theo ông Nguyễn Trọng Khải-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa: Đơn vị đang quản lý 20.505 ha rừng. Hiện đơn vị đang giao khoán cho 3 cộng đồng gồm: làng Kon Mahar, Kon Jốt (xã Hà Đông), làng Bông Hiot (xã Hải Yang) và 22 nhóm hộ ở các xã: Hà Đông, Đak Sơ Mei, Hải Yang quản lý, bảo vệ rừng.
“Từ khi người dân nhận khoán bảo vệ thì tình trạng xâm lấn, khai thác rừng trái phép đã giảm đáng kể. Ngoài ra, việc giao khoán cũng giúp người dân sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập, có việc làm thường xuyên, góp phần thoát nghèo, ổn định cuộc sống”-ông Khải thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Thời gian qua, việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, nhóm hộ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng và gắn trách nhiệm cho nhóm hộ, cộng đồng, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính-Kế hoạch, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan triển khai việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng, nhóm hộ trên địa bàn huyện.