(GLO)- Giáo dục trẻ em là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm từ phía gia đình và xã hội. Hiện nay, nhiều quan điểm liên quan đến phương pháp giáo dục trẻ như: giáo dục “khuyên nhủ”; “kỷ luật tích cực”; giáo dục “không đòn roi”, “không hình phạt”... Vậy đâu mới là phương pháp tốt nhất và liệu rằng nó có thực sự phù hợp với tất cả những đứa trẻ hay trong mọi hoàn cảnh?
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng nên có sự “thưởng phạt phân minh” phù hợp với từng lứa tuổi phát triển của trẻ. Ảnh minh họa: Mộc Trà |
Con tôi đang học tại một trường mầm non ở TP. Pleiku. Mới đây, trên nhóm Zalo, một phụ huynh nhắn tin bày tỏ sự bức xúc về việc con trai kể bị cô giáo đánh, không muốn đi học nữa. Đồng thời, phụ huynh này mong các cô chỉ nhắc nhở vì cho rằng trẻ đã hiểu chuyện, cảm thấy không an toàn là không muốn đến lớp. Một vài phụ huynh thả tim đồng tình, song một số khác thì phản biện: “Con có kể là trên lớp mấy bạn quậy quá và trưa không chịu ngủ nên bị cô khẽ vào chân. Nếu vì khẽ chân mà bỏ học thì chắc hơn 1/2 lớp nghỉ học hết rồi. Tuổi này sắp vào lớp 1, nếu không rèn các cháu thì không được”.
Lẽ đương nhiên, không ai cổ súy cho việc giáo viên sử dụng hoặc lạm dụng các hình phạt hà khắc. Nhưng tôi nghĩ, việc áp dụng hình thức phù hợp với từng lứa tuổi cũng là một trong những biện pháp giáo dục để trẻ tuân thủ kỷ luật, biết nhường nhịn, chia sẻ và đặc biệt là giảm nguy cơ nảy sinh tính ích kỷ, coi thường người lớn, xem nhẹ quy định, nguyên tắc.
Tôi còn nhớ cách đây khoảng 1 năm, cộng đồng mạng “dậy sóng” xung quanh bài viết về việc “giáo dục con bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ” của một nữ tiến sĩ nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong bài viết, tiến sĩ này nêu quan điểm: “Cách đây gần chục năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục “không phạt”. Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả “chép phạt”, “phạt tập thể dục”... thì thật sự không thể hiểu nổi”. Cũng theo nữ tiến sĩ, vì không bị phạt, trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định; thậm chí còn tìm cách giật dây người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo hòng tránh những thứ chúng không mong muốn.
“Phạt không phải là đánh, mắng”, “nuông chiều thái quá con sẽ sinh hư”, “thương cho roi cho vọt”, “không nên phạt mà hãy khuyên nhủ trẻ”... Đó là một số ý kiến từ dư luận sau khi bài viết của nữ tiến sĩ được đăng tải. Người đồng tình tuyệt đối, người nửa đồng thuận, người lại bày tỏ sự phản đối gay gắt. Còn theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam-Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì không thể kết luận “giáo dục lời khuyên” phản tác dụng. Bởi lẽ, nền giáo dục của nước ta đang dần chuyển đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực và giáo viên thời đại 4.0 phải đóng vai trò là người định hướng, tạo động lực, gieo mầm cho những khát vọng tuổi trẻ. Tuy nhiên, trong một số tình huống, lời khuyên cũng có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cũng đánh giá, hiện nay, nhiều người đang đề cập đến “kỷ luật tích cực” nhưng vẫn chưa hiểu đúng về phương pháp này. “Thay vì đang hiểu nó theo kiểu động từ (những hình phạt tích cực) thì mọi người nên hiểu theo kiểu tính từ, có nghĩa không cần dùng hình phạt nhưng cuộc sống của trẻ vẫn trở nên kỷ luật trong một bầu không khí tích cực. Và ở đây, tôi nghĩ, tăng hành vi tích cực là cách bền vững nhất để làm giảm các hành vi sai của trẻ”-Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục khác lại cho rằng nên có sự “thưởng phạt phân minh” phù hợp với từng lứa tuổi phát triển của trẻ. Bên cạnh các hình thức giáo dục nhẹ nhàng, mang tính thuyết phục, chia sẻ và khuyên nhủ, việc có các hình thức ứng xử phù hợp khác nhau trong một số trường hợp đối với trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu, góp phần đào tạo, giáo dục ra những công dân tốt cho xã hội.
Thiết nghĩ, kỷ luật là cần thiết trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng giáo dục. Nó giúp con người nhận thức được sai lầm và đưa mọi thứ trở về nền nếp, quỹ đạo. Có điều, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa “kỷ luật” và “trừng phạt”. Nếu kỷ luật giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin thì trái lại, trừng phạt có thể gây xúc phạm, đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến trẻ cảm thấy tự ti, thậm chí không thể nhận ra lỗi. Việc bắt trẻ quỳ gối, phạt roi hay xúc phạm các em bằng những lời nói thiếu chuẩn mực... cần được loại bỏ. Thay vào đó, những hình thức kỷ luật mang tính nhân văn hơn theo kiểu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ sẽ mang lại hiệu quả giáo dục mong muốn.
MỘC TRÀ