Giành chỗ ở của người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, dư luận chú ý nhiều đến thông tin nhà ở xã hội (NƠXH) dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Đắk Lắk tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột đang được rao bán công khai trên mạng với giá cao hơn giá chính thức.
Trước sự việc này, chủ đầu tư dự án là Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có văn bản lưu ý rằng việc bán lại căn hộ vào thời điểm này là không phù hợp với hợp đồng mua bán đã ký và quy định về pháp luật về NƠXH. 
Trường hợp khách hàng không còn nhu cầu về nhà ở thì liên hệ với đơn vị để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mua bán. Nếu phát hiện có việc bán lại căn hộ thì người mua nhà đã ký hợp đồng với chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Dự án nhà ở xã hội ở Đắk Lắk bị rao bán công khai
Dự án nhà ở xã hội ở Đắk Lắk bị rao bán công khai
Tình trạng sang nhượng NƠXH không xa lạ trên đất nước ta. Đầu năm 2020, kết luận thanh tra dự án NƠXH An Trung 2, quận Sơn Trà (do Công ty Liên doanh DMC - 579 làm chủ đầu tư) của Thanh tra TP Đà Nẵng cho biết trong 324 người được mua NƠXH tại dự án này, 45 trường hợp đã có nhà đất, thậm chí có từ 2 lô đất trở lên. Có 80 trường hợp mua nhà không đúng đối tượng, trong đó có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân là đối tượng không được mua NƠXH.
Tương tự chung cư An Trung 2 ở Đà Nẵng, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, người dân cũng than phiền về việc chung cư Long Thịnh ở phường Ghềnh Ráng là dự án dành cho người thu nhập thấp lại có rất nhiều người khá giả vào sinh sống. Họ để ôtô đậu kín sân, lấn chiếm không gian công cộng, trẻ con không có chỗ vui chơi…
Chính sách nhà ở cho người nghèo thực hiện không mấy thành công thời gian qua đã được nói nhiều, với đầy đủ nguyên nhân, thực trạng và giải pháp được chỉ ra. Quy định các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên phải dành 20% diện tích đất đã xây dựng hạ tầng để phát triển NƠXH là không khả thi. Do đó, tìm nguồn đất làm dự án NƠXH không dễ và việc phân bổ dễ xảy ra thiếu công bằng, thậm chí trục lợi chính sách như các dẫn chứng vừa nêu.
Do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu cao nên nhiều nơi người ta xem các dự án NƠXH là một kênh đầu tư làm ăn hoặc mua bán sang tay kiếm lời. Họ kê khai không trung thực để được mua NƠXH chỉ nhằm đầu cơ, sau khi mua được nhà, họ bán suất cho người khác chứ không ở tại căn hộ đó. Điều này khiến những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở lại không được hưởng chính sách NƠXH. Nếu người nghèo mua được NƠXH từ tay họ thì giá đã đắt hơn nhiều.
Nói về xử lý những vụ việc này, các cơ quan hữu trách đều cho rằng chủ đầu tư sẽ bị xử lý hành chính và nhà sẽ bị thu hồi, dù vậy số căn hộ thu hồi từ 5 năm trở lại đây vẫn còn rất ít, trong khi số căn hộ bán sai đối tượng lại rất nhiều. Cán bộ của các đơn vị, doanh nghiệp kê khai không trung thực về nhà đất, thu nhập để hưởng chính sách NƠXH cũng chỉ bị kiểm điểm, xử lý một cách chiếu lệ, nước chảy bèo trôi.
Một chủ trương hết sức tốt đẹp lại bị làm sai lệch bởi lòng tham của con người. Kẻ có tiền lại giành giật, lấy đi cơ hội của người nghèo về một mái ấm để an cư. 
THIÊN LƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm