Vụ mất 22.000 ha rừng tại 4 công ty lâm nghiệp: Sở NNPTNT Đắk Lắk nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở NNPTNT Đắk Lắk cho biết đang phối hợp với cơ quan công an củng cố hồ sơ để xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ mất 22.000 ha rừng tại 4 công ty lâm nghiệp. Các trường hợp buông lỏng, tiêu cực, làm ngơ trước nạn phá rừng cũng sẽ bị xử lý nếu có đủ căn cứ xác định.
Sở NNPTNT đang phối hợp điều tra 
Ngày 24/3, Sở NNPTNT Đắk Lắk cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra vụ mất rừng ở 4 công ty lâm nghiệp tại huyện Ea Súp (gồm các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ia Lốp, Ia Mơ) như báo Dân Việt đã phản ánh.

Gỗ lậu do các đơn vị thuộc Bộ Công an bắt giữ tại Đắk Lắk trong một chuyên án.
Gỗ lậu do các đơn vị thuộc Bộ Công an bắt giữ tại Đắk Lắk trong một chuyên án.
Việc để giảm 22.000 ha trong giai đoạn từ năm 2006 - 2016 tại 4 công ty lâm nghiệp chủ yếu là do nguyên nhân phá rừng trái pháp luật, ngoài ra cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thu hồi, bàn giao về địa phương để quản lý sử dụng theo kế hoạch (phát triển nông nghiệp, làm đất ở, đất sản xuất, ổn định dân cư…), cải tạo rừng nghèo kiệt để thí điểm trồng cao su theo chương trình của Chính phủ v.v...
Liên quan đến nội dung này,  UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 về việc thành lập Tổ công tác thực hiện rà soát các tài liệu, đo đạc đất lâm nghiệp, đánh giá diện tích rừng bị suy giảm tại 4 công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp. Hiện Sở NNPTNT đang phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện, phân loại cụ thể các diện tích theo từng nguyên nhân biến động. Từ đó làm cơ sở để khám nghiệm hiện trường, thực hiện trình tự điều tra, phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh củng cố hồ sơ để xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức, kể cả các trường hợp có căn cứ xác định có hành vi “buông lỏng, làm ngơ trước nạn phá rừng” và “tiêu cực, thiếu trách nhiệm” trong thời gian tới theo quy định.

Rừng tại các công ty lâm nghiệp bị đốt phá để chiếm đất.
Rừng tại các công ty lâm nghiệp bị đốt phá để chiếm đất.
Cũng theo Sở NNPTNT Đắk Lắk, diện tích rừng suy giảm này cũng đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra của tỉnh kiểm tra, phát hiện trong thời gian trước đây và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 27/01/2015, của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt kết quả thực hiện kiểm kê rừng tỉnh Đắk Lắk đã xác định diện tích rừng bị giảm so với kỳ điều tra, kiểm kê trước (năm 1999) tại 4 công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp và báo cáo Bộ NNPTNT, Chính phủ. Hàng năm trên cơ sở theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất rừng do chủ rừng báo cáo, Sở NNPTNT cũng tổng hợp, phê duyệt kết quả để báo cáo Bộ NNPTNT công bố số liệu rừng và đất rừng trên toàn quốc theo quy định.
Áp lực rất lớn trên đất rừng 
Tuy nhiên trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung rất khó khăn, phức tạp do nhiều áp lực rất lớn vào rừng. Đó là vấn đề thiếu đất sản xuất do tăng dân số, nguồn lực kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ rừng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, tính đồng bộ của các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội có liên quan...
Các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng mất rừng, song vẫn chưa có giải pháp thật sự hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Tại nhiều cuộc họp đánh giá, hội thảo bàn về các nguyên nhân, giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, các cấp, các ngành đã xác định có 4 nguyên nhân chưa ngăn chặn được tình trạng xâm hại rừng.

Áp lực do lợi nhuận từ gỗ rừng, đất rừng khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Áp lực do lợi nhuận từ gỗ rừng, đất rừng khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Một là cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập (đặc biệt là vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng rừng tự nhiên sản xuất; trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng; chế tài xử lý vi phạm đối với chủ rừng quy định chưa cụ thể...), do vậy rất khó xử lý.
Hai là nguồn vốn, kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn quá thấp so với nhu cầu thực tế, hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của tỉnh.
Ba là chưa đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ, hài hòa các vấn đề liên quan như bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng. Hiện nay vẫn còn khoảng hơn 4.111 hộ với hơn 20.000 nhân khẩu sống trong rừng (trong đó có gần 2.700 hộ phát sinh mới).

Đắk Lắk từng có vụ phá rừng lên đến cả nghìn người tham gia.
Đắk Lắk từng có vụ phá rừng lên đến cả nghìn người tham gia.
Bốn là hệ thống chính trị các cấp chưa phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; chủ rừng (như các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ia Lốp và Ia Mơ) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, buông lỏng quản lý rừng, đất rừng.
Như vậy, theo Sở NNPTNT Đắk Lắk, để giải quyết vấn đề mất rừng không chỉ cần sự nỗ lực cố gắng của địa phương, mà địa phương rất mong có những chính sách, giải pháp thay đổi, đồng bộ từ Trung ương để giải quyết triệt để các nguyên nhân đã được xác định nêu trên. Có như vậy mới đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững.
Theo Trung Kiên-Trung Lâm (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.