(GLO)- Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã báo cáo Bộ trưởng 2 vấn đề chính đó là: Việc nợ thuế của Nhà máy Chế biến Nông sản Xuất khẩu Phú Túc, huyện Krông Pa (đây là nhà máy trực thuộc Công ty Điện máy Hải Phòng, nay đã đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư-gọi tắt là Công ty Điện máy) và vấn đề di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án thủy điện An Khê- Ka Nak.
Đối với trường hợp nợ thuế của Công ty Điện máy, trong thời gian xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2003 đến tháng 4-2010, đơn vị thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho tỉnh. Tuy nhiên, từ tháng 4-2010, đơn vị không kê khai để nộp thuế giá trị gia tăng tại tỉnh nên Cục Thuế tỉnh có quyết định cưỡng chế, đình chỉ xuất hóa đơn để thu hồi nợ thuế.
Ảnh: Lê Lan |
Bất chấp quyết định này, Nhà máy vẫn tiếp tục bán hàng và xuất hóa đơn và số nợ thuế của đơn vị trong thời gian này đã tăng lên 11,954 tỷ đồng (trong đó: nợ thuế giá trị gia tăng là 7,229 tỷ đồng, tiền phạt là 4,724 tỷ đồng). Trong khi vấn đề nợ thuế vẫn chưa được giải quyết thì từ tháng 7-2011 đến hết tháng 12-2012, Công ty Điện máy vẫn ký kết hợp đồng liên kết liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu Nông-Lâm sản và Vật tư nông nghiệp (Aporimex) cho thuê nhà máy, để rồi lại tiếp tục gây thêm số nợ 10 tỷ đồng-đây là số tiền nợ mua mì của nông dân. Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã phải tổ chức nhiều cuộc họp và trước sức ép đòi nợ của nông dân, ngày 4-2-2013 Công ty cũng chỉ mới thanh toán xong khoản nợ tiền mua mì cho dân, số tiền nợ thuế vẫn chưa thanh toán.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết dứt điểm phần nợ thuế của Công ty Điện máy; đồng thời chỉ đạo Công ty này phối hợp với Aporimex xử lý phần nộp thuế liên doanh liên kết tại tỉnh.
Đối với vấn đề di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công thương và các bộ ngành Trung ương báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi, bồi thường hoặc mở đường đi sản xuất đối với 432,91 ha đất của 261 hộ dân bị bán ngập. Và nhất là cần sớm công bố dòng chảy tối thiểu trên sông Ba để làm căn cứ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực, nhằm đảm bảo nhu cầu dùng nước cho ngành công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh vùng hạ du… Bên cạnh, đề nghị giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng công trình thủy điện An Khê-Ka Nak, thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo công ăn việc làm cho 129 hộ dân có đất thu hồi dưới 30% tổng diện tích đất đang sử dụng với số tiền là 6,7 tỷ đồng.
Ghi nhận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu Công ty Điện máy phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề tài chính cho đến thời điểm bàn giao Nhà máy cho Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Fococev và khẳng định Bộ không cho phép doanh nghiệp thuộc Bộ trốn thuế, nợ dây dưa và phải thực hiện đúng cam kết với địa phương.
Giải trình vấn đề này, ông Phạm Minh Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư đã đưa ra nhiều lý do, như bị ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn; dù bị đình chỉ hóa đơn… nhưng đây là mặt hàng nông sản vẫn phải xuất nếu không sẽ hư hỏng, đồng thời hứa sẽ huy động các nguồn vốn giải quyết dứt điểm, không để dây dưa. Ông Thành cũng đề nghị tỉnh xem xét lại khoản phạt thuế (4,7 tỷ đồng) vì Công ty đã thực hiện nghĩa vụ thuế.
Còn vấn đề thủy điện An Khê-Ka Nak, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thống nhất các đề nghị của tỉnh và hứa sẽ làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu các giải pháp trả lại dòng chảy phù hợp cho vùng hạ du sông Ba. Theo ông Võ Lũy-Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện An Khê-Ka Nak trước Tết đơn vị đã tăng cường thêm máy bơm nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhưng với tình hình hạn nặng như năm nay thì khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Còn ông Trần Văn Được-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì cho biết: Tập đoàn sẽ tập trung giải quyết 3 công việc liên quan đến công tác di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng thủy điện An Khê-Ka Nak, đó là giải quyết đất sản xuất tái định canh, đường đi vào khu vực đất sản xuất và công tác đền bù chi tiền hỗ trợ.
Ngoài ra, các vấn đề về kêu gọi dự án đầu tư nhà máy sản xuất săm lốp ô tô và các sản phẩm cao su; phát triển chợ nông thôn; hệ thống lưới điện cũng đã được đề cập tại buổi làm việc. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Bộ sẽ xem xét nghiên cứu, trình đề án lên Chính phủ về các vấn đề này vì Gia Lai là tỉnh Tây Nguyên nên các vấn đề điện, chợ nông thôn cũng sẽ được Chính phủ ưu tiên.
Lê Lan