(GLO)- Đang lúi húi nấu bữa cơm chiều, chị vẫn chú ý lắng nghe câu nói của con gái lên 7 tuổi mới từ trường về: “Hôm nay, môn tiếng Việt, con chỉ được điểm 7 thôi mẹ!”. Chị vội vàng lau khô tay rồi ngắm nghía tập vở của con. Đôi ba chữ viết chưa đúng nét được cô giáo sửa lại bằng bút đỏ. Chị hướng về con với cái nhìn trìu mến, yêu thương cùng cái xoa đầu nhè nhẹ: “Con gái mẹ viết được thế này là tốt rồi. Lần sau con cố gắng hơn nữa nhé!”.
Con bé nghe mẹ khen, khuôn mặt trở nên rạng rỡ hẳn lên. Nó đáp lại lời chị: “Ngày mai con sẽ cố gắng viết đẹp để được điểm cao hơn nữa nghe mẹ!”. Rồi nó sà vào lòng chị, ôm chị thật chặt như muốn cảm nhận hơi ấm yêu thương ngập tràn. Từ lâu, những lời động viên, khích lệ dành cho con đã trở nên vô cùng quan trọng với chị.
Ảnh minh họa |
Sự khích lệ, động viên được xem là món quà ý nghĩa, đôi khi có tác động, ảnh hưởng đến cả đời người. Có người dám tiến lên phía trước đương đầu với những khó khăn, dám can đảm làm lại từ đầu khi thất bại, dám kiên trì theo đuổi ước mơ... một phần cũng nhờ vào những lời động viên, khích lệ từ những người xung quanh. Ai đó đã rất đúng khi nói rằng, chính sự động viên, khích lệ đã tiếp sức cho những người mệt mỏi, mở lối cho người đang phân vân và rọi đèn cho ai đang lần mò trong bóng tối.
Chị nhớ ngày còn nhỏ, chị thường bị bạn bè trêu chọc vì không những học chậm mà bàn chân phải của chị còn dị tật, có 6 ngón chân. Chị đã tự ti, mặc cảm, đã trốn tránh và nhiều lần có ý định bỏ học. Thế nhưng nhờ có lời động viên của mẹ, chị đã vượt qua tất cả. Mỗi khi đêm về, những câu chuyện về tấm gương vượt khó, những bài học ý nghĩa được rút ra qua giọng kể truyền cảm, ấm áp của mẹ đã thổi vào lòng chị suy nghĩ tươi mới, lạc quan. Để rồi khi đã trưởng thành, có công việc, gia đình... dù đôi lúc không tránh khỏi những buồn phiền, bi quan nhưng bên chị, mẹ vẫn là nguồn khích lệ tuyệt vời nhất.
Nhớ ngày học phổ thông, một bài văn của chị đã được cô giáo tán dương trước lớp. Cuối giờ, cô giáo gặp riêng chị và bảo: “Hôm nay em là người làm bài tốt nhất! Cô rất vui vì điều đó”. Chị đứng đó rưng rưng vì sung sướng. Xoa đầu chị, cô ân cần: “Cố gắng lên nhé em! Cô luôn ở bên em”. Thế là từ một cô bé học văn trung bình, nhờ sự động viên của cô, chị đã trở thành người học văn tốt nhất, nhì lớp.
4 năm học Sư phạm, ra trường, đi dạy trong Nam, lâu mới về thăm quê, thăm cô. Chị vỡ òa khi cô cho biết, bài văn của chị ngày xưa thực ra chỉ đạt điểm trung bình khá, nhưng cô nhìn thấy ở chị sự cố gắng, nhìn thấy ở chị nét tương đồng với cô của những năm còn đi học. Thế nên cô tin rằng chị cũng sẽ làm được điều cô đã làm. Nghe cô kể, chị bồi hồi, xúc động không nói nên lời.
Giờ đã trở thành một giáo viên dạy văn, chị hiểu học trò ngày xưa cũng như bây giờ đều rất cần được thầy cô khích lệ. Chị xem đó là cách để tạo hứng khởi cho các em, tạo cho các em có được một môi trường học tập an toàn, lành mạnh để từ đó nhân cách của các em ngày một hoàn thiện, hành vi tích cực sẽ được phát huy. Chị cũng nhận ra, thái độ buồn bực, cáu gắt, mắng mỏ của thầy cô mỗi khi học trò làm sai vô hình trung sẽ tạo áp lực, khiến các em thiếu tự tin, thiếu ý chí phấn đấu; lâu dần, các em sẽ không còn tin vào bản thân mình và có thể trở nên tuyệt vọng.
Chị cảm kích trước câu nói “Con đã rất cố gắng rồi!” khi bạn chị khen cậu con trai 8 tuổi vừa mới hoàn thành bài tập môn vẽ thầy giao về nhà. Chị cũng tâm đắc với câu “Con đã tiến bộ hơn trước rồi!” khi chồng chị dạy con tập bơi, dù con chỉ mới biết đến cử động tay chân đơn giản nhất. Chị thích thú với lời khích lệ, động viên dành cho học trò của cô giáo bên cạnh nhà chị khi bọn trẻ biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của bạn bè, biết cẩn thận, chỉn chu trong quá trình học tập, biết sáng tạo khi đưa ra một phương pháp làm bài hay…
Ai đó đã nói rất đúng rằng: Sự động viên, khích lệ là cho đi mà không sợ mất, nhận về mà không sợ quá tải, dùng mà không sợ lạm phát, trao mà không sợ bị từ chối. Điều ấy thật cần thiết với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào.
Thu Đình