Già làng Kpuih Khao: Tuổi cao chí càng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 70 tuổi nhưng ông Kpuih Khao (làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai) vẫn miệt mài vận động người dân chăm lo lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm 1972, ông Kpuih Khao tham gia kháng chiến chống Mỹ, tiếp đó cùng đồng đội giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông tiếp tục cống hiến cho địa phương trên nhiều cương vị khác nhau: Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Kriêng. Điều đáng nói là cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Khao rất tích cực cùng gia đình khai hoang để phát triển sản xuất. “Ngày trước, cả 5 đứa con của tôi đều còn nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Do vậy, cứ có thời gian rảnh, tôi và vợ lại đi khai hoang đất để trồng mì và lúa, sau đó trồng cà phê, hồ tiêu, điều nên thu nhập dần được cải thiện. Hiện nay, ngoài 10 ha đất sản xuất cho các con, vợ chồng tôi vẫn còn 3 ha điều và cà phê, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng”-ông Khao cho biết.
Ông Kpuih Khao. Ảnh: H.H
Ông Kpuih Khao. Ảnh: H.H
Ông Siu Mế-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng: “Ông Kpuih Khao vừa là Bí thư chi bộ gương mẫu vừa là già làng uy tín của làng Hrang. Nhờ có ông tích cực tuyên truyền, vận động và hòa giải mà người dân làng Hrang đoàn kết hơn, tích cực hơn trong lao động sản xuất và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới”.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Khao còn giúp đỡ người nghèo về vốn sản xuất. Đến nay, ông đã giúp cho hàng trăm lượt hộ dân vay vốn không tính lãi, đồng thời dành thời gian tuyên truyền, hướng dẫn người dân những kinh nghiệm hay để chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đến nay, người dân trong làng đã mở rộng diện tích canh tác lên 830 ha với các cây trồng chủ lực là mì, điều, cà phê. Số hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn 77 hộ (làng có 220 hộ). “Kinh tế phát triển nên người dân đã hiến đất và đóng góp được 66 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn”-ông Khao chia sẻ. 
Bên cạnh đó, không kể ngày hay đêm, hễ trong làng có mâu thuẫn, xích mích là ông đều có mặt để hòa giải. Với phương châm áp dụng cái tình, cái lý và hương ước trong làng vào hòa giải, ông đã giúp nhiều gia đình, dòng họ, hàng xóm hiểu ra lẽ phải và từ đó gắn kết với nhau hơn. Trung bình mỗi năm, ông hòa giải thành công gần 20 vụ việc. Mới đây, ông đã giúp cho bố con ông Rơ Mah Blâng hòa thuận trở lại. Chuyện là Siu Bích thường hay đi chơi, ít phụ việc nhà. Nhân lúc có hơi men, ông Blâng đã liên tục nhắc nhở con trai khiến 2 bố con xảy ra xô xát. Sau khi nắm được câu chuyện, ông đã phân tích cho Siu Bích hiểu được làm con thì không nên ham chơi mà phải đỡ đần bố mẹ việc nhà, việc rẫy để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, ông thường tham gia các buổi hội họp để lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ông cũng thường xuyên lui tới nhà rông hoặc sân bóng của làng để nhắc nhở thanh niên khi tham gia giao thông không nên lạng lách đánh võng, không trộm cắp. Bởi vậy, tình hình an ninh trật tự trong làng nhiều năm qua luôn ổn định. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Khao nói mộc mạc: “Là đảng viên, là già làng do người dân tín nhiệm bầu lên, mình phải gương mẫu, phải sống sao để lúc mình nói dân làng nghe và làm theo nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn”.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.