Trong đó, 2 huyện có tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ dưới 20% là Chư Prông (18,76%) và Chư Pưh (19,94 %); 8 huyện đạt dưới 30 %; số huyện còn lại đạt trên 30%. Nguyên nhân tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh đạt thấp là do những tháng đầu năm, địa phương vào mùa nương rẫy vì vậy trẻ thường theo bố mẹ đi nương, đi rẫy nên tỷ lệ trẻ bỏ mũi cao.
Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ từ đầu năm đến nay tại Gia Lai chỉ đạt 29,4%. Ảnh: Như Nguyện |
Đặc biệt, tình hình thiếu vắc xin kéo dài trong tiêm chủng mở rộng ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai tiêm chủng. Một số loại vắc xin đã thiếu từ cuối năm 2022 như: Vắc xin Sởi; vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Riêng năm 2023, vắc xin DPT đã hết từ tháng 3 đến nay và vắc xin SII (ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) không được cung ứng từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, truyền thông, thông tin đại chúng về phản ứng vắc xin làm tâm lý các bà mẹ lo ngại, dẫn tới việc từ chối tiêm chủng. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng giao thông đi lại còn khó khăn, khó tiếp cận công tác tiêm chủng mở rộng, nhất là vào mùa mưa lũ. Đối tượng phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thường không tiêm vắc xin phòng uốn ván khi mang thai. Các bà mẹ thường sinh tại nhà nên mũi tiêm viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh rất khó thực hiện.