Gia Lai: Triển vọng từ trồng điều trên đất đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, huyện Phú Thiện tích cực chuyển đổi diện tích đất trống đồi trọc, đất bạc màu sang trồng điều. Mô hình này bước đầu cho kết quả khá khả quan.

Vùng đất đồi cằn cỗi sau làng Pông (xã Chư A Thai) ngày nào giờ đã được che phủ bởi màu xanh tươi mát của hàng trăm gốc điều. Đang chăm sóc những cây điều ghép của gia đình đã bắt đầu ra hoa và cho quả bói, ông Đinh Tuy-Bí thư chi bộ làng Pông, cho biết: Toàn bộ 1 ha đất đồi này trước đây chủ yếu trồng mì. Trải qua nhiều vụ, do không được cày ải, lại sử dụng nhiều phân hóa học nên đất bị chai cứng, bạc màu, nếu tiếp tục trồng mì thì sẽ cho thu nhập không cao.

 

Ông Đinh Tuy chăm sóc vườn điều. Ảnh: D.P
Ông Đinh Tuy chăm sóc vườn điều. Ảnh: D.P

Năm 2016, được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư A Thai hỗ trợ 2 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để mua cây giống, ông bàn với gia đình chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng điều ghép. “Trồng điều dễ chăm sóc, chỉ phun thuốc, làm cỏ và bón phân, vào đầu mùa mưa thì tỉa cành tạo tán. Nếu chăm sóc kỹ thì chỉ 2 năm là điều ra hoa và cho quả, sang năm thứ 3 bắt đầu cho thu rộ”-ông Tuy phấn khởi nói.

Gia đình ông Siu Đương (thôn Kte Lớn A, xã Ia Yeng) có hơn 2  ha đất phía triền đồi. Những năm trước, gia đình ông trồng mì và mía trên diện tích này nhưng hiệu quả thấp vì đất quá xấu, chi phí đầu tư lớn. Năm 2016, gia đình ông được hỗ trợ trồng điều ghép. Sau 2 năm, những cây điều đã vươn cao, phủ xanh khu vực đất trống. Dự kiến năm 2019, toàn bộ diện tích điều của gia đình ông sẽ cho thu hoạch. “Cây điều thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây nên sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng điều chỉ nặng công chăm sóc trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả. Nếu mình chăm sóc tốt thì cây sẽ cho năng suất cao”-ông Siu Đương bày tỏ.

Theo ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, vùng đất đồi khô cằn của xã bước đầu thử nghiệm trồng điều cho kết quả khả quan. Đây là cây trồng mới đưa vào địa bàn xã nhưng có triển vọng mở rộng diện tích lên hàng trăm héc-ta trong nay mai vì quỹ đất còn nhiều.

Toàn huyện Phú Thiện có hơn 200 ha điều. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang vận động người dân trồng 15 ha điều ghép trên diện tích chuyển đổi từ đất trồng mì, mía kém hiệu quả. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, đủ nước tưới thì 1 ha điều có thể cho thu hoạch từ 3 đến 4 tấn hạt/vụ. Với giá điều dao động từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta điều cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, sâu bệnh hại không nhiều, công chăm sóc, chi phí lại ít hơn các loại cây trồng khác, đặc biệt là thời gian thu hoạch của cây điều có thể kéo dài từ 30 đến 40 năm.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Phú Thiện rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây điều. Do đó, lựa chọn trồng điều là một giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa bàn. “Trong vài năm trở lại đây, diện tích điều trên địa bàn huyện tăng khá nhanh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất bạc màu… sang trồng điều, cũng như  đảm bảo quy hoạch sản xuất chung của toàn huyện. Cùng với đó, chúng tôi khuyến cáo bà con sử dụng những giống điều ghép xác nhận để việc canh tác bền vững hơn”-ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết.

Dũng Phương

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.