Gia Lai: Tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Liên tục trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Gia Lai đều kéo giảm được tai nạn giao thông (TNGT). Với kết quả đó, tỉnh ta đã được đồng chí Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia biểu dương tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018 tổ chức mới đây.
Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 395 vụ TNGT, làm chết 232 người, bị thương 425 người. So với năm 2017, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 chỉ số: giảm 18 vụ, 1 người chết và 61 người bị thương. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn đứng thứ 9 trên cả nước về số vụ và thứ 8 về số người chết do TNGT.
Nổi lên trong năm qua ở tỉnh ta là sự gia tăng các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 43 người, bị thương 36 người. Bên cạnh đó, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng cao ở cả 3 chỉ số với 156 vụ, làm chết 112 người, bị thương 153 người (tăng 18 vụ, 40 người chết và 26 người bị thương so với năm 2017). Ngoài ra, TNGT liên quan đến xe công nông có xu hướng tăng trở lại (xảy ra 20 vụ, làm chết 14 người và bị thương 29 người)... Đáng chú ý là có đến trên 88% số vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
 Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 14, đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: L.H
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 14, đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: L.H
Cũng trong năm 2018, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 79.829 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ; xử phạt 72.831 trường hợp, tạm giữ 21.691 phương tiện và hơn 41.400 giấy tờ các loại, tước 3.685 giấy phép lái xe có thời hạn. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm tốc độ (12.213 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (12.400 trường hợp), không có giấy phép lái xe (7.916 trường hợp), vi phạm nồng độ cồn (2.562 trường hợp)…
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm soát phương tiện và người lái nhằm hạn chế các trường hợp TNGT thảm khốc gây hậu quả nghiêm trọng. Công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý trật tự an toàn giao thông như: xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, quan sát giao thông… phải được chú trọng triển khai sâu rộng…”.

Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và 44 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Gia Lai vì đã kéo giảm TNGT trong năm 2018. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh tuy có giảm song vẫn còn ở mức cao so với các địa phương khác trong cả nước. Việc kéo giảm TNGT của tỉnh cũng chưa mang tính bền vững, nhất là TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh có đến 11/20 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 24 người, bị thương 27 người. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh-cho biết: “Tại vùng sâu, vùng xa, tình trạng người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người nhưng phóng nhanh, vượt ẩu vẫn còn xảy ra phổ biến, đặc biệt trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT để lại hậu quả và hệ lụy nặng nề”.
Để triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: “Trong năm 2019, các cấp, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương sẽ tập trung đổi mới phương pháp, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông cũng như đẩy mạnh công tác phát triển hạ tầng giao thông đi liền với tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường bộ, quản lý phương tiện và người lái”.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.