Gia Lai: Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 9 tháng năm 2018, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến hết sức phức tạp. Trước thực tế đó, lực lượng chức năng đã đề ra nhiều giải pháp để kiềm chế TNGT trong những tháng cuối năm.
Gia tăng số người chết do TNGT
Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 279 vụ TNGT, làm 186 người chết, 279 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017, TNGT giảm cả số vụ (giảm 20 vụ) và số người bị thương (giảm 92 người) nhưng tăng 11 người chết. Đáng chú ý, theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Gia Lai đứng thứ 5 trên cả nước về số người chết do TNGT (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương), đứng thứ 10 về số vụ TNGT và đứng thứ 17 về tỷ lệ gia tăng số người chết do TNGT. Các huyện, thị xã có số người chết do TNGT tăng, gồm: Đức Cơ (tăng 157,14%), Kông Chro (150%), An Khê (50%), Ia Grai (40%), Đak Pơ (28,57%), Krông Pa (28,57%), Đak Đoa (27,27%), Pleiku (21,05%) và Chư Prông (14,29%).
 Hiện trường vụ tai nạn trên đèo Mang Yang ngày 5-5-2018. Ảnh: Nguyễn Tú
Hiện trường vụ tai nạn trên đèo Mang Yang ngày 5-5-2018. Ảnh: Nguyễn Tú
Trong số 279 vụ TNGT nói trên, theo phân tích của Ban An toàn Giao thông tỉnh, có đến 146 vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ (chiếm 52,33%); 89,6% xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với các lỗi chủ yếu như: lấn đường; tránh, vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định; vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát… Ngoài ra, phương tiện gây TNGT chủ yếu là xe mô tô (chiếm 68,67%); người liên quan đến TNGT chủ yếu ở độ tuổi 18-30 (chiếm 50,21%). Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra vào khoảng thời gian từ 17 giờ đến 22 giờ và 1/3 số vụ TNGT xảy ra vào các ngày nghỉ lễ, Tết, cuối tuần…
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 118 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số (chiếm 42,29% tổng số vụ), làm chết 88 người (tăng 31 người so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng tăng 54,4%), bị thương 115 người (tăng 7,48%). Trong số các vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số có 11 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 22 người và bị thương 29 người. “Phần lớn các vụ TNGT đều do thanh-thiếu niên điều khiển xe mô tô phân khối lớn hoặc xe không đảm bảo các điều kiện về an toàn; người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường…”-Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh-cho biết.
Triển khai giải pháp kiềm chế TNGT
 
Ông Phạm Hiếu Trình-Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh: “Thời gian tới, Ban An toàn Giao thông tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan thành viên, Ban An toàn Giao thông các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, siết chặt quản lý công tác đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, xử lý tình trạng chở quá khổ, quá tải, nhồi nhét khách, “xe dù, bến cóc”.

Thực hiện Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, Gia Lai được đánh giá là một trong những địa phương đã giảm thiểu thương vong liên quan đến trẻ em. Trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 13 người, bị thương 25 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 29,55% số vụ (31/44 vụ), giảm 18,75% số người chết (13/16 người) và giảm 46,81% số người bị thương (25/47 người). So với mức giảm 18,5% bình quân chung của cả nước, tỉnh ta có tỷ lệ giảm cao hơn.
Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra 18 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2017), làm chết 38 người, bị thương 38 người. Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT liên quan đến xe công nông làm chết 10 người, bị thương 21 người. Đây chính là nguyên nhân khiến TNGT tuy giảm về số vụ, số người bị thương nhưng lại tăng về số người chết. “Tình trạng sử dụng xe công nông chở người vẫn còn diễn ra, chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc này hết sức nguy hiểm, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với Công an các địa phương và các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý dứt điểm tình trạng này để giảm thiểu nguy cơ TNGT”-Đại tá Phạm Văn Uấn nhấn mạnh. Đại tá Phạm Văn Uấn cũng cho biết, đơn vị sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, đặc biệt là đối với các khu vực thường xảy ra TNGT trong thời kỳ cao điểm.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Trong những tháng cao điểm cuối năm, các địa phương phải kiểm tra sát sao công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm xe cơ giới cũng như tăng cường kiểm soát dịch vụ kinh doanh vận tải xe ô tô, đặc biệt là vận tải hành khách để hạn chế các trường hợp TNGT làm chết và bị thương nhiều người. Về hạ tầng giao thông, địa phương phải rà soát, khoanh vùng và xử lý dứt điểm các “điểm đen” về TNGT, nhất là tại các tuyến đường đèo dốc, khu vực giao cắt...”.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.