(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người đều cho rằng đây là vùng đất “vàng” của ngành công nghiệp không khói bởi có nhiều danh thắng thiên nhiên và di tích lịch sử nổi tiếng ở Bắc Tây Nguyên như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng, thác Phú Cường, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo… Đời sống cư dân nơi đây in đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Jrai, Bahnar. Bên cạnh đó hệ thống giao thông ở Gia Lai cũng rất thuận lợi với đường hàng không nối liền thành phố tỉnh lỵ Pleiku với các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vinh; hệ thống đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông, quốc lộ 14, 19 và 25 chạy ngang dọc trên địa bàn nối Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và cả vùng Đông Bắc Campuchia.
Biển Hồ-Gia Lai. Ảnh: K.N.B |
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên so với vài tỉnh lân cận thì du lịch Gia Lai vẫn phát triển chưa tương xứng. Tỉnh Đak Lak năm 2012 đón 325.000 lượt khách, doanh thu 287 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2013 đón 182.500 lượt khách, doanh thu 174 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 28 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 5 đơn vị kinh doanh quốc tế; 159 khách sạn, nhà nghỉ với 3.154 phòng, 5.411 giường, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao và 5 khách sạn 2 sao.
Ngành du lịch Kon Tum tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng trong năm 2010 cũng đón đến 115.000 lượt khách, doanh thu 60 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2012 đón 90.000 lượt, trong đó có hơn 42.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 42 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 3 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, 52 khách sạn, nhà nghỉ với 1.000 phòng, 2.300 giường. Tỉnh Bình Định du lịch năm 2012 tăng 24% so năm 2011, doanh thu tăng 30%, lượng khách quốc tế năm 2012 là 1.341.567 lượt, dự kiến trong năm nay đạt 1.558.000 lượt khách quốc tế.
Thác Phú Cường, huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: K.N.B |
Với các thông tin nêu trên có thể nhận thấy tuy du lịch Gia Lai phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Vì sao? Có thể dẫn ra một số nguyên nhân cơ bản như sau: Trước hết Gia Lai chưa quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp các danh thắng. Bên cạnh đó nhiều nơi chưa biết cách “mở hầu bao” của du khách: Tham quan quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, đường 7 sông Bờ, đi thuyền thưởng ngoạn hồ Sê San hay Ayun Hạ du khách không biết tìm gì, mua gì để mang về làm vật kỷ niệm. Cũng không có chỗ nghỉ qua đêm... Làng voi Nhơn Hòa đã bị xóa sổ từ lâu, món phở khô 2 tô vốn dĩ là của Pleiku nay đã “chuyển thương hiệu” sang Đak Lak và xuống tận Sài Gòn.
Hay như chợ Mới Pleiku-nay là Trung tâm Thương mại-nơi luôn được du khách đến tham quan, mua sắm thì cũng không có gì là sản vật đặc trưng, đã vậy buổi sáng đến 8 giờ các quầy hàng ở tầng 1, tầng 2 khu nhà lồng mới mở cửa, chiều chưa đến 17 giờ đã đóng cửa ra về. Trong khi đó ngay như đất nước Campuchia sát bên ta chỉ mới đầu tư cho du lịch trong vài năm gần đây đã có những việc ta cần học tập. Đó là tham quan các cụm thắng cảnh du khách chỉ mua vé một lần (có in ảnh, ngày tham quan và giá vé) bao gồm cả phí vệ sinh. Song song với tham quan khách có thể mua sắm nhiều thứ văn hóa phẩm hoặc thưởng thức ẩm thực đặc trưng của vùng miền phù hợp túi tiền. Ở Siem Reap hay Phnom Penh chợ nào cũng bán đến gần nửa đêm để phục vụ du khách và chợ nào cũng có những sản vật đặc trưng.
Du lịch Gia Lai có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành, khoảng 50 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.000 giường. Trong năm 2011 đón 170.000 lượt khách, doanh thu 150 tỷ đồng, tuy nhiên khách quốc tế giảm 7,9% so năm 2010. Năm 2012 đón 8.500 lượt khách quốc tế, 195.000 lượt khách nội địa, doanh thu 180 tỷ đồng. |
Không thể phủ nhận những gì mà ngành du lịch Gia Lai đã làm trong thời gian qua, đó là tổ chức Festival Cồng chiêng quốc tế, đầu tư cho hệ thống khách sạn, nhà hàng, xây dựng các điểm vui chơi, liên kết các tour du lịch… song để kiến tạo một đường băng hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp không khói này cất cánh thì còn rất nhiều công việc phải làm, trong đó có những công việc đòi hỏi phải có cơ chế thông thoáng hơn và có sự phối hợp giữa nhiều ngành, kể cả quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
Chẳng hạn để phục vụ cho du khách, nhất là du khách nước ngoài nghiên cứu về lịch sử, dân tộc, văn hóa ở những địa danh nổi tiếng như: Di chỉ Biển Hồ (Pleiku), Plei Me (Chư Prông), sân bay dã chiến Chư Nghé (Ia Grai), đồi Chư Pao (Chư Pah), Vua Lửa (Phú Thiện), Vua Nước (Chư Pưh)… thì không chỉ ngành du lịch mà còn phải được chính quyền và các ngành hữu quan quan tâm. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch tại các điểm tham quan cũng phải được triển khai đồng bộ, kể cả trong hoặc ngoài cự ly 50 km giữa các tuyến, điểm, ưu tiên đầu tư cho các phương tiện vui chơi, nghỉ ngơi và ẩm thực như nhà nghỉ theo kiểu nhà sàn, du thuyền, nhà hàng nổi trên hồ… thậm chí xây dựng cả hệ thống cáp treo hoặc monorail chạy quanh các điểm du lịch để du khách có thể tham quan từ trên cao.
Cuối tháng 11-2012, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch, tham dự có lãnh đạo các sở và hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn của 4 tỉnh. Hội nghị đã thảo luận các giải pháp liên kết nhằm đưa du lịch 4 tỉnh cùng phát triển ngang tầm với tiềm năng. Đặc biệt mới đây Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2020 cơ bản sẽ hoàn thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên. Đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy các ngành khác phát triển; đóng góp của du lịch trong GDP đạt 4.040 tỷ đồng (tương đương 197 triệu USD) vào năm 2015, đạt 7.524 tỷ đồng (tương đương 367 triệu USD) vào năm 2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch của 5 tỉnh Tây Nguyên là 60.270 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn ODA), vốn FDI và các nguồn vốn khác.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa trên bản đồ du lịch cả nước, Gia Lai trong đội hình du lịch Tây Nguyên sẽ luôn hấp dẫn du khách đến từ mọi miền.
Thanh Phong