(GLO)-Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Gia Lai bước vào mùa thu hoạch nông sản điều, mì, dưa hấu... Nhiều em học sinh là dân tộc thiểu số đã nghỉ học để phụ giúp ba mẹ. Đây luôn là nỗi lo, nỗi trăn trở của các giáo viên, nhà trường khi vận động các em trở lại lớp học.
Nghỉ học để mưu sinh
Hiện nay, ngoài những dịp lễ quan trọng của dân tộc mình, người dân tộc thiểu số Gia Lai đã hòa nhập để vui đón Tết cổ truyền cùng dân tộc. Thế nhưng, sau những ngày nghỉ Tết dài, đã có học sinh sẵn tiện các em nghỉ học ngoài tâm lý ngại đến trường, cha mẹ không quan tâm con cái thì nhiều học sinh ở nhà để phụ giúp ba mẹ trông em, lên rẫy lượm điều, nhổ mì, hái dưa...
Theo báo cáo tình hình đi học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đức Cơ, các trường học ở vùng thuận lợi, học sinh đi học tương đối đầy đủ, các trường học ở vùng khó khăn chiếm tỷ lệ 96%. Có một số trường ở vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh đi học chưa cao như trường Mầm non Hoa Cúc, Mầm non Hòa Bình chiếm tỷ lệ 85%-87%. Số lượng học sinh nghỉ học tập trung chủ yếu ở dân tộc thiểu số.
Học sinh thường nghỉ học sau nghỉ Tết Nguyên đán, mùa thu hoạch nông sản. Ảnh: N.T |
Cô Nguyễn Thị Hà-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (làng Nẻh 1, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) tâm sự: “Là một trường đóng chân tại làng đặc biệt khó khăn, 100% học sinh là dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số học sinh luôn được các thầy cô nỗ lực hết mình quan tâm, vận động các em đến trường. Một hai buổi học đầu năm sau Tết Nguyên đán vẫn còn một số học sinh nghỉ học do bắt đầu vào ngày mùa các em lên rẫy phụ giúp bố mẹ hái điều, tưới cà phê... Từ đầu năm học đến nay, đã có 3 em nghỉ học và 1 em có nguy cơ nghỉ học. Nhà trường, chính quyền địa phương, làng quan tâm vận động để các em đã trở lại trường lớp đầy đủ và đi vào nề nếp”.
Đối với huyện Ia Grai, hiện cũng đang vào mùa điều. Đã có hiện tượng các em học sinh nghỉ học để đi hái điều giúp cha mẹ. Các lớp học vắng dần các em học sinh. Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) với 90% học sinh là dân tộc thiểu số, gồm 7 điểm trường, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã 4km. Chia sẻ cùng chúng tôi, Em Rơ Lan Chuyên (lớp 4C, Trường Tiểu học Lê Lợi,) cho biết: “Lớp học của em có 20 bạn thì có 3 bạn nghỉ học để đi hái điều giúp cha mẹ như bạn Siu Dâng, Siu Cương... Là lớp trưởng, em cũng nhắc các bạn đi học đều để biết cái chữ, học điều hay nhưng các bạn vẫn nghỉ học để cùng cha mẹ đi làm. Hết mùa điều, các bạn lại trở lại lớp học".
Cô Nguyễn Thị Thắm-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, huyện Ia Grai cho biết: “Vào mùa thu hoạch nông sản, các em thường tranh thủ nghỉ học 1, 2 buổi rồi lại đi học. Cộng thêm các điểm trường xa điểm trường chính, đối với môn học tự chọn như môn Tin học, các em phải tới điểm trường chính học nên phụ huynh bận làm trên rẫy không thể đưa đón học sinh đến lớp dẫn đến một số em nghỉ học ở nhà trông em hoặc theo cha mẹ lên rẫy làm nên sĩ số học sinh thường biến động”.
Nỗ lực vận động từng học sinh
Xác định những khó khăn trong công tác duy trì sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết, nhiều giải pháp đã được các cơ sở giáo dục đưa ra giúp các em học sinh ra lớp, bắt nhịp nhanh với học tập, ổn định và đi vào nề nếp ngay từ những ngày đầu tiên. Đặc biệt đối với các đơn vị ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học đã chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… của xã xuống tận thôn, làng vận động, hỗ trợ học sinh đến trường.
Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đức Cơ nhận định: “Công tác duy trì sĩ số học sinh sau Tết của huyện gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù về phong tục tập quán của người dân địa phương. Sau khi đón Tết xong, phụ huynh học sinh thường đi làm thuê hay đi làm rẫy nên học sinh thường có thói quen nghỉ học để phụ giúp gia đình. Huyện đã chỉ đạo các trường học chủ động thành lập Ban vận động học sinh ra lớp tại các xã gồm các ngành, đoàn thể và các giáo viên cùng vào cuộc. Theo đó, Ban sẽ phân công các thành viên trực tiếp xuống nhà dân để vận động học sinh. Các hội thảo chuyên đề về kỹ năng vận động học sinh, nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng trường học xanh-sạch- đẹp được huyện tổ chức, áp dụng tại các trường học, tại các điểm trường. Bên cạnh đó, các trường học cũng tăng cường công tác phối hợp với các già làng, thôn trưởng có uy tín để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc học của con em mình đặc biệt là dân tộc thiểu số. Đồng thời, nắm bắt hoàn cảnh của từng em để giúp đỡ, vận động các em ra lớp”.
Nhiều trường học đã xây dựng các giải pháp hữu hiệu để duy trì sĩ số học sinh. Ảnh: N.T |
Đối với huyện Ia Grai, việc học sinh bỏ học hoặc đi học không chuyên cần sau Tết Nguyên đán cũng luôn là nỗi lo của thầy cô. Ông Phạm Văn Đại- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai nhấn mạnh: “Các giáo viên chủ nhiệm cần thực hiện báo cáo sĩ số học sinh của lớp mình hàng ngày, kịp thời tìm hiểu, theo dõi sát sao tình hình, diễn biến tâm lý, để vận động học sinh đi học đều... Nếu học sinh có nguy cơ bỏ học, giáo viên chủ nhiệm đến gia đình tìm hiểu, giúp đỡ, vận động học sinh và phụ huynh học sinh phòng chống bỏ học, học sinh trở lại lớp tiếp tục học tập, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ học sinh đến lớp. Các hoạt động dạy học cũng cần làm phong phú hơn bằng những tiết học kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa nhằm giúp thu hút, tạo niềm hứng thú khi các em đến trường...”.
Sau kỳ nghỉ Tết trở lại trường lớp, hoạt động của các trường học đi vào nề nếp. Tỷ lệ học sinh đến lớp sau Tết của nhiều trường đạt 100%. Tuy nhiên, đối với các trường vùng khó để duy trì sĩ số học sinh thì đây là một bài toán nan giải, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhà trường và chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số, giúp các em đến trường đều đặn, học tập đạt kết quả cao.
Ngọc Thu