(GLO)- Trong 4 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Từ những mô hình này, nhiều phụ nữ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Từ mô hình “3 trong 1”
Mô hình “3 trong 1” của thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) tặng heo giống cho hội viên phụ nữ nghèo. Ảnh: P.D |
Để mô hình “3 trong 1” được triển khai hiệu quả, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng Kế hoạch số 624/KH-BCH hướng dẫn thành lập mô hình điểm “3 trong 1” đồng thời chọn 3 huyện, thị xã, gồm: Chư Pưh, Đak Đoa, Ayun Pa để làm điểm triển khai mô hình và hướng dẫn chọn 1 xã làm điểm. Sau 1 năm triển khai, mô hình điểm đã giúp đỡ 14 gia đình có phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, mô hình “3 trong 1” đã được triển khai và nhân rộng tại 17 huyện, thị xã, thành phố với 199 điểm, giúp 199 hội viên phụ nữ nghèo. Kết quả có 60 phụ nữ thoát nghèo bền vững, 30 trẻ em bỏ học quay lại trường, 11 gia đình không còn tình trạng bạo lực. Điển hình là hộ chị Siu HĐại (thôn Kênh Săn, xã Ia Le, huyện Chư Pưh), chị Âu Thị Thúy (tổ 3, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa)... đã thoát nghèo bền vững và không còn tình trạng bạo lực gia đình.
Mô hình “3 trong 1” là cầu nối giữa hội viên phụ nữ nghèo với cộng đồng và chính quyền địa phương mà cụ thể là cầu nối gắn kết giữa Hội Phụ nữ các cấp với hội viên phụ nữ nghèo. Với các hoạt động phong phú, mô hình đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đến mô hình tổ liên kết sản xuất
Các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đang được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Ảnh: Đ.T |
Năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo xây dựng mô hình điểm tổ liên kết “Dịch vụ chăm sóc gia đình” tại phường Tây Sơn (TP. Pleiku). Đây là mô hình hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên phụ nữ sau học nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ; đồng thời hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ như: giữ trẻ, đưa đón trẻ đi học, giúp việc gia đình. Mô hình đã thu hút 25 hội viên đăng ký tham gia. Mục đích của tổ là thực hiện tốt các nhiệm vụ theo hợp đồng đã liên kết... Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia đình trong điều kiện xã hội hiện nay, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Từ mô hình thí điểm, năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo 3/17 huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng mô hình tổ liên kết, với 111 thành viên tham gia. Để mô hình đạt hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm… nhằm trang bị cho Ban Quản lý và thành viên tổ liên kết về kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch, quản lý, điều hành hoạt động của tổ. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thực hiện 68 cuộc giao dịch, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 chị, với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Cải tạo và chăm sóc cây hồ tiêu năng suất cao” tại xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) được thành lập tháng 7-2014 tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động có thu nhập trung bình 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/hộ/tháng. Mô hình “Chăn nuôi heo siêu nạc” xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) có 36 thành viên, bình quân thu nhập của mỗi thành viên từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Mô hình “Chăn nuôi heo lai siêu nạc” xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) được thành lập từ tháng 5-2016 với 20 thành viên, mỗi thành viên được cấp 3 con heo, trị giá mỗi con 1,5 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Tố Hải-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh: “Qua 4 năm triển khai, mô hình “3 trong 1” đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng một phần nhu cầu đời sống của hội viên phụ nữ nói chung và hội viên phụ nữ nghèo nói riêng. Chính vì vậy, mô hình “3 trong 1” là cầu nối giữa hội viên phụ nữ nghèo với cộng đồng và chính quyền địa phương mà cụ thể là cầu nối gắn kết giữa Hội Phụ nữ các cấp với hội viên nghèo. Mô hình đã góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Để mô hình ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả, chúng tôi rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các Mạnh Thường Quân và sự nhiệt tình của cán bộ Hội”.
Về mô hình tổ liên kết phát triển, bà Hải cho biết: Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục chỉ đạo 1-2 Huyện, Thành hội lựa chọn 1 tổ liên kết trên địa bàn để hỗ trợ hoạt động theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất tiêu dùng sản phẩm sạch. Qua đó, Hội sẽ hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đặng Thị Kim Sáu