(GLO)- Đầu năm 2013, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai đã chọn làng Dơ Mút (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) làm điểm mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới. Qua 3 năm thực hiện, kỹ năng tư vấn hòa giải của đội ngũ cán bộ, công chức xã đã được nâng cao; nhận thức của người dân về phòng-chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới cũng có những chuyển biến tích cực.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nh. và anh Bùi Đình D. (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) đều làm nông. Trước đây, anh D. hay bị bố mẹ ruột trách móc vì sống không tốt với anh em trong nhà. Cứ mỗi lần như thế, bao nhiêu bực tức anh đều đổ hết cho vợ; nhiều khi chị Nh. không chịu được lời cay nghiệt của chồng, nói lại thì bị chồng đánh đập xây xát mặt mày. Sự việc được người dân báo cho chính quyền địa phương. Nhận được tin báo, các thành viên phụ trách mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới đã trực tiếp đến tìm hiểu. Khi biết rõ ngọn nguồn câu chuyện, họ đã phân tích, khuyên nhủ vợ chồng anh D. cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Sau lần đó, anh D. đã hiểu ra hành vi của mình và dần thay đổi, biết quan tâm chăm sóc vợ con hơn trước.
Cấp phát tờ rơi về tuyên truyền Phòng-chống bạo lực gia đình. Ảnh. Đ.Y |
Bên cạnh những biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra tại địa phương, mô hình còn giúp các đối tượng bạo hành người khác chuyển đổi hành vi. Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, tuyên truyền cũng thường xuyên được các thành viên phụ trách mô hình tổ chức để các đối tượng bị bạo hành biết cách giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột trong các tình huống. Ông Lê Xuân Đạt-cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Ia Bang, cho biết: “Nhờ chủ nhiệm mô hình là Chủ tịch UBND xã, các thành viên là cán bộ hội, đoàn thể nên hoạt động rất hiệu quả. Thời gian qua, trên địa bàn xã không xảy ra bạo lực gia đình, không có nạn nhân nào phải nhờ can thiệp”.
Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng được 163 mô hình phòng-chống bạo lực gia đình cấp xã, 642 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 215 nhóm phòng-chống bạo lực gia đình, 125 cơ sở tư vấn về phòng-chống bạo lực gia đình và 380 câu lạc bộ phòng-chống bạo lực gia đình. |
Ngoài ra, các thành viên còn thường xuyên tổ chức các hoạt động bằng hình thức lồng ghép sinh hoạt cùng với Câu lạc bộ “Không bạo lực đối với phụ nữ” tuyên truyền lưu động, cấp phát tờ rơi, sơ đồ địa chỉ tin cậy, đường dây nóng của các thành viên mô hình để mọi người dân cùng biết; tổ chức sân chơi cuối tuần, giao lưu văn hóa, văn nghệ về chủ đề bình đẳng giới... Qua đó, các thành viên có thêm cơ hội trao đổi với người dân cách giáo dục đạo đức cho con cháu, truyền thống gia đình, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Mặt khác, trong những lần sinh hoạt như thế, các thành viên còn tuyên truyền đến người dân về các chuyên đề bạo lực trên cơ sở giới với nhiều nội dung thiết thực như một số biểu hiện phổ biến thường gặp của bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam và tỉnh; những thông tin chung về chính sách, pháp luật về mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới.
Cũng theo ông Đạt, từ khi thực hiện mô hình điểm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ở làng Dơ Mút, đến nay, xã Ia Bang còn thành lập thêm 5 câu lạc bộ bình đẳng giới, 5 địa chỉ “Tin cậy cộng đồng” và 2 địa chỉ đường dây nóng tại các thôn: Cát Tân, Mút, Thoong, Ngol và Bang.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai), cho biết: Để những mô hình, câu lạc bộ và địa chỉ “Tin cậy cộng đồng” hoạt động hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền; biên soạn, phát hành các tài liệu, tờ rơi, đưa các nội dung, hình ảnh về phòng-chống bạo lực giới đến người dân nhằm nâng cao kiến thức về giới trong nhân dân. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm về nội dung phòng-chống bạo lực giới, biểu dương các tấm gương điển hình trong việc thực hiện mô hình để mỗi gia đình thực hiện tốt Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Đinh Yến