Gia Lai: Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Gia Lai là một trong những địa phương đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực điện năng lượng tái tạo (NLTT). Phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực này.

* P.V: Quan điểm của Đảng và Nhà nước là phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tỉnh ta đã cụ thể hóa quan điểm này như thế nào, thưa ông?
 

Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Kim Linh
Ông Phạm Văn Binh.
Ảnh: Kim Linh

- Ông PHẠM VĂN BINH: Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước cùng các chính sách ưu tiên phát triển NLTT của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh ta rất quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế, với tiềm năng, thế mạnh rất lớn trong lĩnh vực NLTT, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Sở Công thương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư.

Ngày 3-9-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 110-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ngày 3-2-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND, trong đó, quan điểm của tỉnh là tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn NLTT, năng lượng mới; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

* P.V: Ông có thể cho biết tình hình thu hút đầu tư ở lĩnh vực NLTT trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Đến nay, điện mặt trời đã có 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất 84 MWp, tổng vốn đầu tư 1.569 tỷ đồng; 2 dự án đã được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai với công suất 74 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.708 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 5 dự án đã được bổ sung quy hoạch, chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 654 MWp và 35 dự án đang khảo sát hoặc đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 3.250 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất trên 603,8 MWp.

Đối với điện gió, toàn tỉnh có 17 dự án được phê duyệt đầu tư với tổng công suất 1.242,4 MW, tổng vốn dự kiến gần 43.198 tỷ đồng; 89 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 11.559,2 MW; 9 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến 1.221,4 MW. Về điện sinh khối, hiện tỉnh có 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW.

Việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các dự án NLTT đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, mức đầu tư trung bình là 35 tỷ đồng/MW điện gió, 25 tỷ đồng/MW điện mặt trời nối lưới, 15 tỷ đồng/MW điện mặt trời mái nhà...

Cùng với đó, các dự án đã phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái. Ngoài ra, các dự án NLTT còn tạo ra một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch.

* P.V: Thời gian qua, việc triển khai các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn nhất định do nguyên nhân khách quan. Về công tác quy hoạch, việc lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các dự án NLTT vào quy hoạch phát triển điện lực còn kéo dài do vướng mắc quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý chất lượng công trình đối với các dự án NLTT còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Đặc biệt, những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các dự án NLTT.

Bên cạnh đó, một vấn đề nảy sinh khi các dự án NLTT phát triển quá nhanh làm hạn chế trong khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải. Do hệ thống lưới điện truyền tải công suất của bên mua điện chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên chưa đảm bảo khả năng giải tỏa công suất của một số dự án NLTT tại các khu vực có tiềm năng phát triển cao trên địa bàn tỉnh.

 Thi công móng trụ tua bin công trình điện gió Ia Pếch Đak Đoa 1. Ảnh: Kim Linh
Thi công móng trụ tua bin công trình điện gió Ia Pếch Đak Đoa 1. Ảnh: Kim Linh


* P.V: Việc phát triển điện gió thì ít chiếm diện tích, trong khi điện mặt trời lại chiếm diện tích lớn. Xin ông có thể cho biết tỉnh xử lý vấn đề này như thế nào?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Việc xem xét phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới luôn phải đảm bảo một số tiêu chí, đó là: nằm tại khu vực có tiềm năng phát triển, gần đường giao thông và các điểm đấu nối lên lưới điện quốc gia; đảm bảo không chồng lấn, ảnh hưởng đến các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch thế trận phòng thủ, quy hoạch du lịch, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch khoáng sản của địa phương và không di dân tái định cư.

Tuyệt đối không sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên hiện có, đất quốc phòng. Dự án phải có định mức chiếm đất toàn bộ nhỏ hơn hoặc bằng quy định của Bộ Công thương; ưu tiên sử dụng đất mặt nước, đất khô cằn không sản xuất nông nghiệp, đất trống, đất chưa sử dụng, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và được sự đồng thuận của người dân có đất trong khu vực dự án.

Khi triển khai, nhà đầu tư phải có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện; phải cam kết với chính quyền địa phương về các nội dung như thực hiện an sinh xã hội và bố trí đất sản xuất cho người dân nhằm đảm bảo sau khi thu hồi đất để thực hiện dự án; người dân vẫn có đủ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tối thiểu theo định mức quy định của tỉnh. Vì vậy, cho tới nay, các dự án NLTT đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh không ảnh hưởng gì tới cuộc sống, sản xuất của người dân.

* P.V: Tỉnh ta có nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp rất dồi dào. Vậy mức độ quan tâm của tỉnh đối với phát triển năng lượng sinh khối đến đâu, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2 dự án nhà máy điện sinh khối bã mía tại Nhà máy Đường An Khê và Nhà máy Đường Ayun Pa với tổng công suất 144,6 MW. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các dự án để khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát và sẽ tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối trên địa bàn.

* P.V: Gia Lai hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm NLTT của khu vực Tây Nguyên. Vậy theo ông, tỉnh ta nên làm gì?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Riêng Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp năng NLTT, xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành công nghiệp NLTT.

Sở cũng sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, rà soát, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển ngành công nghiệp NLTT; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Cùng với đó, nghiêm túc thực thi chính sách về đất đai và bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 KIM LINH (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm