Ghi nhận từ "Trường học an toàn" ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Từ khi được lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, có khu vực bố trí dành riêng cho phụ huynh đứng chờ đón con lúc tan trường, tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều”-chị Phạm Thị Mỹ Hằng (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, phụ huynh có 2 con đang theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng) phấn khởi cho biết.
“Cổng trường an toàn”
Chương trình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” vừa khánh thành 2 mô hình “Trường học an toàn” tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Bà Nguyễn Thị Nga-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu-cho biết: Trường nằm trên đường Tôn Đức Thắng-tuyến đường có nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe tải. Ngoài ra, cổng trường dốc và hẹp, lại nằm gần khúc cua, rất hạn chế về tầm nhìn. Mặc dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh và phụ huynh chú ý vấn đề an toàn giao thông, nhưng trên thực tế cũng đã xảy ra một vài trường hợp va quẹt nhẹ giữa người đi đường và học sinh trong trường.
Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu hiện có 1.021 học sinh ở 28 lớp, trong đó có 186 học sinh dân tộc thiểu số. Mô hình “Trường học an toàn” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp Ban An toàn Giao thông tỉnh triển khai đã hỗ trợ việc sơn kẻ vạch sang đường, lắp biển báo giảm tốc độ, làm gờ giảm tốc; đặc biệt là bố trí khu vực cho phụ huynh đậu đỗ xe chờ đón con và hệ thống rào chắn phân định vị trí học sinh đứng đợi cha mẹ. “Trước đây, chúng tôi rất lo ngại chuyện học sinh sang đường mỗi lần đến lớp, tan trường. Khi được đầu tư lắp đặt hệ thống biển báo, vạch chỉ dẫn, cả nhà trường, phụ huynh và các em đều an tâm hơn rất nhiều”-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu chia sẻ.
 Thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, đại diện dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng dẫn học sinh qua đường an toàn. Ảnh: L.H
Thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, đại diện dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng dẫn học sinh qua đường an toàn. Ảnh: L.H
Tương tự, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng cũng rất phấn khởi khi trường học của con em mình có lắp đặt hệ thống cảnh báo giao thông. “Hai bé nhà tôi đều hiếu động. Lúc tan trường, nếu chưa kịp đón thì tôi rất sợ các cháu tự ý băng qua đường, rồi đùa giỡn trước cổng trường… Vậy nên tôi rất mừng khi có khu vực cho các cháu đứng chờ, có thầy cô theo dõi, nhắc nhở các cháu”-chị Phạm Thị Mỹ Hằng nói.
Thay đổi hành vi giao thông
Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” (Slow zones, Safe zones) được triển khai trong 2 năm (2018-2020) tại 2 trường tiểu học ở TP. Pleiku, thuộc Chương trình “Những thách thức an toàn đường bộ cho trẻ em” do Quỹ Botnar (Thụy Sỹ) tài trợ thực hiện ở 6 nước gồm: Ấn Độ, Mexico, Rumani, Nam Phi, Tunisia và Việt Nam. Nội dung dự án bao gồm: cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trường học bằng cách bố trí lối đi bộ riêng cho học sinh, khu vực đậu đỗ xe cho phụ huynh và quan trọng nhất chính là các biện pháp giảm tốc độ chạy xe; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng nhằm thay đổi hành vi tham gia giao thông, giảm tốc độ lái xe qua trường học và giáo dục kiến thức, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh. 
Nói về mục đích triển khai dự án, ông Phan Hữu Hiếu-Phó Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh-cho biết: “Dự án tập trung vào việc giảm tốc độ tại khu vực trường học và cải tạo môi trường giao thông đường bộ khu vực trường học. Ngoài ra, dự án còn hướng đến nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn đường bộ, khuyến khích tham gia giao thông an toàn với mục tiêu giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm chấn thương và tử vong khi xảy ra tai nạn tại khu vực trường học”.
Theo ông Hiếu, dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại Pleiku quy định cụ thể việc hạn chế tốc độ qua khu vực Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (30 km/giờ) và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (40 km/giờ) trong khung giờ cao điểm. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi qua đó sẽ giúp giảm 90% nguy cơ tử vong khi không may xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt với trẻ em.
Đánh giá về những đổi thay tích cực của học sinh nhà trường sau khi triển khai mô hình “Trường học an toàn”, cô Mai Thị Sáu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng-nhận xét: “Ý thức tham gia giao thông của học sinh đã được nâng lên một bậc. Cổng trường luôn giữ được trật tự nhất định vào các giờ cao điểm phụ huynh đưa-đón con em đi học”. Cô Sáu chia sẻ thêm, trong các chương trình dạy và học trong nhà trường, Ban Giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên đưa nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông học đường vào lồng ghép giảng dạy trong các tiết học phù hợp hay các buổi chào cờ. Bên cạnh đó, các chương trình ngoại khóa cũng chú trọng ưu tiên nội dung liên quan đến vấn đề an toàn giao thông. 
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.