Gạo đặc sản trên cao nguyên Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk không chỉ tự hào là thủ phủ cà phê, mà trên vùng cao nguyên này còn có những cánh đồng lúa bao la, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và tổng sản lượng lương thực trên 1,2 triệu tấn/năm của tỉnh.

Những cánh đồng lúa đặc sản

Những năm gần đây, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đưa vào trồng nhiều giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Xu hướng này không chỉ làm phong phú, đa dạng cơ cấu giống lúa của tỉnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của cây lúa, từng bước tạo dựng thương hiệu lúa đặc sản.

Huyện biên giới Ea Súp là vựa lúa lớn của tỉnh, với 1.400 ha, chiếm 20% diện tích lúa toàn tỉnh; tổng sản lượng bình quân hằng năm đạt 124.000 tấn. Trong năm 2022, huyện đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 890,7 ha của 1.128 hộ dân tại các xã Ea Bung, Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ea Rốk và Ia J’lơi. Đồng thời, hỗ trợ sản xuất theo mô hình VietGAP trên diện tích 165 ha lúa tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Công (xã Ya Tờ Mốt), với 23 hộ tham gia.

Mùa vàng trên vựa lúa Ea Súp.

Mùa vàng trên vựa lúa Ea Súp.

Bên cạnh những giống lúa phổ thông, trên địa bàn huyện đã có các loại lúa mới ngon nức tiếng, đơn cử như lúa đen của HTX Giảm nghèo Ea Súp. HTX này đã lựa chọn mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, đặc sản làm sản phẩm chủ lực với mong muốn mang đến các loại gạo hữu cơ thơm ngon và an toàn, bổ dưỡng cho sức khỏe của người tiêu dùng. Các loại lúa gạo đã làm nên tên tuổi của HTX là Khâu Xiên Lăm của người Thái (diện tích 30 ha), Briêt của người Êđê (6 ha). Đây là những giống lúa gạo đặc trưng của địa phương và người dân các tỉnh phía Bắc đưa vào, phù hợp với khí hậu, đất đai vùng này. Lúa ở đây được trồng theo quy trình hữu cơ, bảo đảm TCVN 11041:2017, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Sản phẩm gạo Briêt của đơn vị được UBND tỉnh công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 và Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi năm, đơn vị cung cấp ra thị trường 20 tấn lúa đặc sản này với giá cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các loại lúa khác cùng thời điểm. Bên cạnh bảo tồn những giống lúa quý hiếm, HTX đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với 95 hộ dân và 170 ha đất trồng lúa ST24.

Sản xuất lúa đặc sản cũng là hướng đi của HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 (xã Buôn Tría, huyện Lắk). Năm 2016, đơn vị thuê 200 ha đất tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp để trồng lúa tập trung. HTX đã liên kết với doanh nghiệp để canh tác 30 ha giống lúa Phúc Thọ. Lúa này cho gạo đen, có hương thơm đặc trưng, vị đậm đà, mềm cơm, vị ngọt dịu. Các khâu sản xuất ở đây được áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn. Gần đây, HTX còn đầu tư máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc, bón phân. Ông Lã Như Kỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, năng suất lúa ở đây đạt 8 tấn/ha với vụ đông xuân và 6 tấn/ha với vụ hè thu, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu hoàn toàn để sản xuất giống, với giá 10.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 2022 – 2023, đơn vị này đưa một phần diện tích vào trồng thử nghiệm giống lúa TBR39 – loại lúa gạo được đánh giá là ngon nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài các loại lúa giống đặc sản, HTX còn trồng hơn 100 ha lúa thương phẩm, trong đó, chủ lực là lúa ST24 tại huyện Lắk và huyện Ea Súp. Hướng đi sắp tới của HTX là từng bước mở rộng thêm diện tích và tập trung sản xuất lúa hữu cơ theo hướng bền vững. Cụ thể, vụ hè thu 2022 vừa qua, đơn vị đã xây dựng 6 cánh đồng mẫu trồng lúa hữu cơ diện tích 0,5 – 1 ha để thử nghiệm và sẽ nhân rộng ra đại trà trong vụ tới.

Gia tăng giá trị hạt gạo

Đắk Lắk có diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,95% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha đứng đầu khu vực và đứng thứ hai so với cả nước (sau Phú Yên – hơn 71 tạ/ha); cao hơn 8,4 tạ/ha so với năng suất bình quân cả nước (58,7 tạ/ha). Bên cạnh những giống lúa đặc sản, hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh đều sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận, như: Đài thơm số 8, RVT, ST24, ST25, OM4900, HT1, OM5451… là những giống có chất lượng gạo thơm ngon, năng suất bình quân đạt từ 7 - 8 tấn/ha, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu gạo của cả nước.

Mô hình lúa cạn của người dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

Mô hình lúa cạn của người dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

GS. Bùi Chí Biểu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long phân tích, do đặc trưng địa hình cao nguyên nên Đắk Lắk không thể phát triển cánh đồng mẫu lớn như ở các tỉnh đồng bằng. Mặc dù “mô hình nhỏ” nhưng nếu Đắk Lắk ứng dụng quy trình công nghệ cải tiến “lớn”, đó là tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, kinh tế số… theo mô hình liên kết bền vững trên cơ sở chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo thì “cánh đồng nhỏ” sẽ trở thành vùng nguyên liệu lớn. “Xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa tập trung chỉ là hình thức nếu không có đầu tư khoa học nhất định để chứng minh rằng nó khác với cái cũ. Nhà đầu tư đang ngần ngại vì chúng ta chưa thể hiện quyết tâm trong đầu tư khoa học cơ bản làm nền cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai. Vùng nguyên liệu phải thể hiện trí tuệ cao nhất, những thiết bị thông minh trong nông nghiệp đã và đang trở thành chiến lược phát triển quốc gia với vốn đầu tư khoa học công nghệ rất lớn”, GS. Bùi Chí Biểu phân tích.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mục tiêu an ninh lương thực hiện nay không phải là số lượng, mà là chất lượng dinh dưỡng cho người Việt Nam trước biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chất lượng môi trường kém dẫn đến nhiều bệnh hiểm nghèo. Tỉnh Đắk Lắk cũng không ngoài xu thế này. Do đó, trong tổ chức sản xuất lúa gạo, tỉnh cũng cần đa dạng hóa thị trường, trong đó, thị trường nội địa với khoảng 100 triệu dân là yếu tố rất quan trọng. Địa phương phải chú trọng các mô hình GAP (VietGAP, Global GAP) và xác định đây là nền tảng sản xuất cơ bản để tạo nên những chuỗi liên kết sản xuất một cách quy mô, bài bản và đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Sản phẩm gạo đen của nông dân xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Sản phẩm gạo đen của nông dân xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Để phát triển lúa gạo bền vững, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu duy trì bảo đảm diện tích gieo trồng lúa 97.000 ha lúa/năm đến năm 2030. Về giải pháp trọng tâm, tỉnh sẽ tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích sản xuất lúa giống tại địa phương nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống tại chỗ, giảm số lượng giống nhập từ các tỉnh khác, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho người nông dân. Cùng với đó, Đắk Lắk sẽ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Ea Kar… áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tiến tới phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực nông hộ, kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.

Có thể bạn quan tâm