(GLO)- Tuy không được xuống giống nhiều ở các huyện phía Đông tỉnh, song dưa gang lại là cây trồng mang đến niềm vui cho nông dân nơi đây trong thời điểm nắng hạn kéo dài vừa qua. Không chỉ được mùa, giá dưa gang vẫn nằm ở mức tương đối cao, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Có mặt ở ruộng dưa từ khá sớm dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, bà Nguyễn Thị Đào (tổ dân phố 16, phường An Phú, thị xã An Khê) cùng cô con gái của mình tỉ mẩn và cẩn trọng thu hoạch những quả dưa gang đầy đặn, bóng vỏ cho vào giỏ. Có quả chuẩn bị chín, có quả đến độ đã rụng khỏi dây, sực mùi thơm phức. Do đó, công đoạn này đòi hỏi phải hết sức khéo léo và nhẹ nhàng vì dưa rất dễ bị dập, bể trái.
Bà Đào phấn khởi thu hoạch dưa gang. Ảnh: Hồng Thi |
Bà Đào cho hay, năm nay, gia đình chỉ trồng thử nghiệm 1 sào dưa gang cả giống quả tròn lẫn quả dài. Thời tiết nắng ấm, không mưa nên khá thuận lợi cho cây dưa gang sinh trưởng, phát triển, ít bị sâu bệnh, quả chín vừa đủ và không bị ngấm nước. Thêm vào đó, chính tiết trời này cũng khiến cho nhu cầu tiêu thụ loại quả này tăng cao. Giá bán vì thế được giữ ở mức tương đối ổn định từ 5.000 đồng/kg đến 8.000 đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình bà còn vớt vát được chút vốn liếng đầu tư khi nhiều diện tích mía, mì liên tục bị thiệt hại do nắng hạn thời gian qua. “Bữa giờ thu lai rai cũng được khoảng 3-4 tạ, bán được 12 triệu đồng. Mình chỉ việc hái mang về nhà, thương lái họ tự đến tận nhà thu mua và vận chuyển”-bà Đào phấn khởi nói.
Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Quy (thôn 2, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) khoe rằng, gia đình vừa thu hoạch được tầm 4 tấn dưa gang trên diện tích gần 0,5 ha. Với giá bán trung bình 7.000 đồng/kg, anh Quy thu về được gần 28 triệu đồng. Loại dưa anh trồng cho trái dài, cơm dày, ngon và thơm, được nhiều người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng so với giống dưa quả tròn trước đây.
Theo nhận định của nhiều nông dân, trồng dưa gang nhàn hơn nhiều so với dưa hấu. Từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch chỉ tầm 2 tháng 10 ngày đối với những vụ rơi vào tháng lạnh hoặc 1 tháng 10 ngày đối với vụ trồng vào tháng nắng. Việc đầu tư công chăm sóc, tỉa nhánh… cũng rất ít tốn kém trong khi dưa lại cho năng suất và lợi nhuận cao. Ngoài ra, người trồng dưa còn chia sẻ kinh nghiệm rằng, dưa gang chỉ thích hợp với phân hữu cơ, nhất là phân bò. Nếu lạm dụng quá nhiều phân hóa học, khi chín dưa bị xốp, rời rạc, ăn không ngon, khó bảo quản và vận chuyển đi tiêu thụ; ngược lại, dưa sẽ rất dẻo, không bị bể và thơm.
Thương lái đến thu mua dưa gang tận nhà nông dân. Ảnh: Hồng Thi |
Bà Đào tâm sự: “Hầu như dưa của tôi không cần thuốc bảo vệ thực vật vì chẳng có sâu bệnh, mỗi ngày chỉ cần tưới khoảng 2 lần nước là đảm bảo rồi. Dưa có trái nặng đến 4 kg, trung bình mỗi dây có thể cho tới 7 trái mà vẫn giữ được độ dẻo, thơm. Vụ mùa tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại quả này”.
Giá trị kinh tế của dưa gang đến thời điểm hiện tại đã thấy rõ. Tuy nhiên, do lo ngại về sự thiếu ổn định của thị trường, giá cả bấp bênh, khó khăn đầu ra nên bà con chỉ mới dám trồng thử nghiệm dưa gang với diện tích nhỏ lẻ chứ chưa dám trồng đại trà. Hơn nữa, vì dưa gang trên ruộng thường chín không đồng loạt nên việc thu hoạch thường được nông dân tiến hành theo từng ngày cho đến khi hết quả. Số lượng bán ra cho thương lái vì thế cũng không được nhiều. Do đó, hầu hết quả thu hoạch chỉ bán về các chợ đầu mối hoặc quán nước giải khát trên địa bàn là chủ yếu. Giá bán thường chênh lệch từ 20% đến 30% so với giá thu mua tại ruộng.
Hồng Thi