(GLO)- Đầu tháng 5 vừa qua, một số tờ báo điện tử của Úc đã dẫn lại những thông tin trên facebook cá nhân của bà Lynne Ryan-một du khách Úc-về “trải nghiệm kinh dị” trong chuyến tham quan vịnh Hạ Long. Theo đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, nữ du khách này đã mua tour du lịch Hạ Long 2 ngày 1 đêm tại Văn phòng du lịch Spring Travel Agency (số 21 Ngõ Huyện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên, bà Lynne Ryan không được đi thăm vịnh Hạ Long như lịch trình mà bị đưa đi du lịch tại Cát Bà. Chưa hết, con tàu mà đơn vị lữ hành đưa bà lên còn hỏng điều hòa, hỏng toilet…
Bà Lynne Ryan không phải là trường hợp du khách nước ngoài đầu tiên có “trải nghiệm kinh dị” khi đi du lịch Việt Nam. Bằng chứng là nếu lên google và gõ dòng chữ “khách Tây bị chặt chém”, chỉ chưa đến 1 giây ta đã có hơn 3,3 triệu kết quả. Tất nhiên trong số này có rất nhiều kết quả lặp lại nhưng nếu chịu khó đọc qua những bài báo được dẫn, ta sẽ bắt gặp những chuyện thật mà như đùa như khách Tây đi taxi hết 87 ngàn đồng bị tài xế bắt trả 870 ngàn đồng; khách Tây mua túi bánh rán ở phố cổ Hà Nội bị “chém” 700 ngàn đồng; khách Tây mua bông tai giả bạc, vòng nhựa bị “chặt” 1.100 USD…
Ảnh minh họa |
Không chỉ khách nước ngoài, rất nhiều người Việt Nam đi du lịch nội địa cũng trở thành “con mồi” của nạn “chặt chém”. Mới đây nhất, vào cuối tháng 5 vừa qua, 2 nhóm du khách đến Đồ Sơn (Hải Phòng) sau khi ăn hải sản đã bị buộc phải trả thêm tổng cộng 630 ngàn đồng… tiền ghế ngồi.
Nạn “chặt chém”, lừa đảo du khách, không kể du khách trong nước hay ngoài nước, đã xuất hiện từ lâu, ở nhiều nơi trên đất nước ta và đến nay vẫn tồn tại nhan nhản. Nó trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều du khách đến nỗi khi muốn mua cái gì, ăn món nào, lựa chọn dịch vụ nào, họ cũng đều phải bắt đầu bằng việc hỏi giá dù việc niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ đã được pháp luật quy định rất rõ. Vậy mà nhiều người vẫn “dính bẫy chặt chém”, phải trả số tiền lớn hơn nhiều lần so với món hàng, dịch vụ mà họ mua hay sử dụng bởi không muốn dây dưa, phiền phức.
Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo, “chặt chém” khách du lịch đã bị lực lượng chức năng xử lý. Nhưng dường như vấn nạn này chưa thể được ngăn chặn triệt để bất chấp sự nỗ lực của ngành Du lịch và các ngành liên quan. Nguyên nhân một phần bởi tâm lý “ăn xổi ở thì” của những người làm dịch vụ, phần khác là do chế tài xử lý đối với các hành vi này hiện còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Như vụ ăn hải sản phải trả tiền ghế ở Đồ Sơn mới đây, chủ cơ sở kinh doanh này chỉ bị phạt 2 triệu đồng. Còn với vụ lừa đảo bà Lynne Ryan, mức phạt dành cho Văn phòng du lịch Spring Travel Agency cũng chỉ có 8 triệu đồng.
Cách đây hơn 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết này đưa ra là đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Cụ thể là phải “nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam”.
Sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, ngành Du lịch và nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Qua đó, sức thu hút của du lịch Việt Nam đã được tăng lên, thể hiện ở chỗ, trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đến nước ta tăng tới 29,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Vui mừng với kết quả đó song chúng ta vẫn không thể không lo lắng bởi những hành động được ví như “ném bùn” vào thương hiệu du lịch Việt Nam còn đang xảy ra như sự việc liên quan đến bà Lynne Ryan mới đây. Bởi nói như ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, dù đó chỉ là sự việc cá biệt nhưng đã ảnh hưởng và gây tổn thương đến uy tín, hình ảnh của ngành Du lịch Việt Nam. Mà ai cũng biết, có những điều một khi đã mất đi không thể nào lấy lại được. Vì vậy, để uy tín, hình ảnh du lịch Việt Nam không bị méo mó, bị xấu đi trong mắt du khách cả trong và ngoài nước, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà ngành Du lịch và các địa phương cần phải giải quyết là dẹp bỏ nạn “chặt chém”, lừa đảo. Đồng thời, phải nâng cao ý thức của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp làm du lịch, biến họ thành những đại sứ thân thiện, mến khách. Chỉ khi ấy, du lịch Việt Nam mới có thể cất cánh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra.
Lê Hà