Một số người từng làm việc cho Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã quay lại huyện Ea Súp (Đăk Lăk) thành lập một hợp tác xã giảm nghèo, liên kết nhiều nông dân để sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ.
Lúa Sóc Trăng bén đất Ea Súp
Theo anh Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Giảm nghèo Ea Súp, ban điều hành HTX trước đây hầu hết đều là thành viên từng tham gia dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Sau quá trình làm việc, gắn bó với người dân tại Ea Súp, anh Đức cùng với cộng sự muốn tiếp tục duy trì hoạt động và liên kết với các nhóm được dự án hỗ trợ sinh kế.
Đầu năm 2019, HTX Giảm nghèo Ea Súp được thành lập, với các thành viên là những nông dân tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.
|
Đại diện Phòng NNPTNT huyện Ea Súp và HTX Giảm nghèo Ea Súp kiểm tra lúa ST24 tại mô hình sản xuất hữu cơ. Ảnh: P.V |
Ea Súp là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển cây lúa nhưng xưa nay bà con đã quen với phương thức canh tác truyền thống, sử dụng lúa giống tại đồng ruộng từ vụ này qua vụ khác khiến năng suất thấp. Lúa gạo làm ra bị ép giá vì tiêu thujụ phụ thuộc vào thương lái tự do. Đại diện HTX Giảm nghèo Ea Súp đã đến các tỉnh ở ĐBSCL để tìm hiểu về nguồn lúa giống.
Nhận thấy giống lúa thơm ST24 (Sóc Trăng 24) cho ra hạt gạo chuẩn dài, trắng, cơm dẻo, thơm mùi lá dứa, HTX đã khảo nghiệm tại Ea Súp và vận động các thành viên trong HTX chuyển qua sử dụng giống lúa mới với cam kết thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người dân. Anh Việt Đức cho rằng, giống ST24 thích hợp với điều kiện canh tác tại Ea Súp, cho năng suất cao hơn các giống người dân sử dụng trước đây. Đồng thời, việc sử dụng giống lúa mới cũng giúp cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn.
|
Vụ đông xuân năm 2020, năng suất lúa trung bình đạt 8,3 tấn/ha. |
Đến nay, HTX giảm nghèo Ea Súp có 8 thành viên, tổng diện tích canh tác 35ha. Các thành viên còn xây dựng quy trình canh tác “5 không, 5 phải” và chuyển từ canh tác 3 vụ sang 2 vụ/năm để nâng cao chất lượng lúa gạo.
Đến nay, HTX giảm nghèo Ea Súp có 8 thành viên, tổng diện tích canh tác 35ha. Các thành viên còn xây dựng quy trình canh tác “5 không, 5 phải” và chuyển từ canh tác 3 vụ sang 2 vụ/năm để nâng cao chất lượng lúa gạo.
Ngoài việc sử dụng giống lúa mới, HTX cũng liên kết thêm với các hộ nông dân tiếp tục phát triển các giống lúa đặc sản địa phương là lúa đen Ea Súp và Khẩu Xiên Lăm.
Xây dựng vùng trồng lúa sạch
Sự đổi mới trong canh tác cây lúa ở Ea Súp đã bước đầu đem lại hiệu quả. Riêng vụ đông xuân năm 2020, năng suất lúa trung bình đạt 8,3 tấn/ha. Anh Nguyễn Việt Đức cho biết, hiện HTX giảm nghèo Ea Súp đã xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng sản xuất, khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Gạo ST24 trồng tại Ea Súp đã nhận được phản hồi tốt về chất lượng từ người tiêu dùng.
Với mong muốn xây dựng một vùng sản xuất lúa an toàn, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, HTX đã vận động được 2 thành viên tham gia trồng lúa ST24 và lúa Briết theo phương thức hữu cơ trên diện tích 3,5ha. Mặc dù năng suất lúa trên diện tích chuyển qua làm hữu cơ chỉ đạt 6 tấn/ha, thấp hơn so với năng suất trung bình nhưng giá bán luôn cao hơn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg lúa tươi.
Anh Đào Văn Thành Tâm (32 tuổi) - 1 trong 2 thành viên tham gia khảo nghiệm mô hình trồng lúa ST24 theo phương thức hữu cơ chia sẻ: “Để trồng lúa hữu cơ, gia đình tôi đã bỏ một vụ làm trước đó để cải tạo đất, chấp nhận chịu năng suất thấp hơn để giảm dư lượng chất có hại. Các chế phẩm sinh học được thay thế cho thuốc BVTV và phân bón hóa học. Tôi cũng gieo thưa giống và phun ngừa đúng thời điểm để hạn chế sâu bệnh”.
Đại diện HTX Giảm nghèo Ea Súp cũng cho biết, trong năm 2019, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm: Gạo Khẩu Xiên Lăm, gạo đen Briết và tinh dầu xả java. Trong năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp tiếp tục hỗ trợ HTX hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Theo Phạm Ly (Dân Việt)