Du lịch nông nghiệp-Hướng đi mới ở Tây Nguyên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su… Những tiềm năng này rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Cà phê là loại cây nông nghiệp nổi tiếng ở Tây Nguyên. Ảnh: Bá Thăng
Giàu tiềm năng...
Hiện nay, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Với thế mạnh của một vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm, nên các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè, ngô lai, sắn (mì)... Cà phê Tây Nguyên chiếm hầu hết diện tích của vùng và trở thành cây trồng có ưu thế tuyệt đối, khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, trong đó, đứng số 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối.
Hiện, diện tích cà phê toàn vùng Tây Nguyên có trên 576.800ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước, trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch 548.533ha. Vùng cao su Tây Nguyên tập trung với diện tích trên 251.348ha, trong đó, diện tích đã đưa vào kinh doanh (khai thác mủ) 139.115ha, với sản lượng mủ mỗi năm đạt từ 192.207 tấn trở lên, chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng mủ cao su của cả nước. 
Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng có trên 71.000ha tiêu, với sản lượng mỗi năm đạt từ 120.877 tấn tiêu hạt trở lên, chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu của cả nước; có gần 74.000ha điều, sản lượng mỗi năm cũng đạt trên 67.276 tấn điều nhân... Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên. Hiện, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp từ cây cà phê, hồ tiêu, rau quả có thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ha.
Với những lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp không thua kém bất kỳ một vùng nào của cả nước, vùng Tây Nguyên có đủ điều kiện để đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tỉnh, đến nay, ở Tây Nguyên, lĩnh vực nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng
Du lịch nông nghiệp, nên chăng?
Bên cạnh việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: Tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái... thì du lịch nông nghiệp của Tây Nguyên được đánh giá là một loại hình có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa đưa vào chiến lược quy hoạch để phát triển và khai thác.
Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp đã được nhiều địa phương phát triển thành công như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long... Có thể kể đến Làng hoa nổi tiếng Thái Phiên, thành phố Đà Lạt, một địa chỉ rất hấp dẫn đối với du khách trong tour du lịch đến xứ sở ngàn hoa. Tại đây, du khách được tự tay cắt những nhành hoa đẹp, hái những trái dâu tây chín mọng, được trực tiếp tìm hiểu quy trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Hay nhắc đến điểm du lịch tại Nghệ An dịp cuối năm, người ta sẽ nghĩ ngay đến cánh đồng hoa hướng dương với những bông hoa vàng tươi khoe sắc vàng óng.
Rồi ghé Mộc Châu, Sơn La tham quan trang trại nuôi bò sữa, khách du lịch được xem tận mắt các công đoạn sản xuất sữa; được tìm hiểu các quy trình sản xuất chè khi đến thăm các nông trường chè; được thăm, tìm hiểu cuộc sống của người Mường ở bản Nà Bai, người Thái ở bản Phụ Mẫu 1, Phụ Mẫu 2, Phụ Mẫu 3...
Không chỉ tham quan, khách du lịch còn được tìm hiểu, tham gia các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, cộng đồng và các sự kiện đặc biệt của người dân bản địa.
Trong khi đó, Tây Nguyên cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, đưa du khách đến những cơ sở nông nghiệp để trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm. Qua đó, du khách sẽ cảm nhận được và thích thú với những nét đẹp trong lao động, thưởng thức văn hóa vùng miền.
 
Khách du lịch tham quan vườn bơ, một loại trái cây đặc sản ở Tây Nguyên. Ảnh: Bá Thăng
Đơn cử, đối với cây cà phê ở Đắk Lắk, tuy là loại cây trồng phổ biến của vùng Tây Nguyên, nhưng nếu các nông hộ, hợp tác xã hay doanh nghiệp của địa phương xây dựng một mô hình nhà vườn sản xuất cà phê khép kín phục vụ khách thì không phải địa phương nào cũng có. Đó là mô hình sản xuất cà phê sạch để du khách tham gia từ trồng trọt, chăm sóc, bảo quản đến chế biến. Sản phẩm làm ra du khách có thể thưởng thức hoặc bán ngay tại chỗ, sẽ gây được cảm tình và tạo thêm nguồn thu cho nhà vườn. Hay việc phối hợp với doanh nghiệp xây dựng thành vườn cao su du lịch, hồ tiêu du lịch, đặc biệt là mùa cao su thay lá, mùa thu hoạch, thăm các nhà máy chế biến... cũng khiến du khách tìm thấy cảm giác mới lạ, hiểu hơn về công đoạn lao động, sản xuất của người Tây Nguyên...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thực hiện các mô hình du lịch nông nghiệp là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị gốc về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đang là mối quan tâm số một của người dân trong giai đoạn hiện nay.


Ngoài ra, tại các vườn cây ăn quả, các trang trại chăn nuôi nếu đưa vào khai thác theo hình thức giới thiệu mô hình chăn nuôi thân thiện, xây dựng các trò chơi, giải trí bằng chính các con vật nuôi và bán sản phẩm tự có từ trang trại sẽ được du khách quan tâm tham gia.
Trên thực tế, nếu các tỉnh Tây Nguyên xây dựng được các mô hình du lịch nông nghiệp sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp liên kết xây dựng tour du lịch nhà vườn và phát huy triệt để chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà các tỉnh, thành trong cả nước đang hướng tới. Để làm được điều này, nhất thiết các tỉnh Tây Nguyên phải có chiến lược rõ ràng để định hướng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng mới lạ, mang đặc trưng riêng.
Bá Thăng (Biên phòng)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.