(GLO)- Song song với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, huyện Kbang đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách.
Hình thành làng du lịch
Đến làng Stơr (xã Tơ Tung) những ngày này, du khách không khỏi bất ngờ khi không gian sống của làng đã có sự đổi khác, đặc biệt là đường sá sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh làng, Trưởng thôn Đinh Giới cho biết, từ khi làng được huyện chọn để phát triển du lịch cộng đồng, nhiều người dân đã được tập huấn cách thức tổ chức làm du lịch. Cũng từ đó, các hộ trong làng đã có ý thức làm du lịch theo hình thức này. Họ tích cực hơn trong việc sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, không vứt rác bừa bãi và chăm sóc cây xanh hai bên đường để tạo không gian xanh-sạch-đẹp. Bên cạnh đó, dân làng cũng tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc để phục vụ du khách khi cần như luyện tập đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca… “Vì đã được chuẩn bị sẵn nên bất cứ lúc nào du khách có nhu cầu nghỉ tại làng hoặc muốn tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động văn hóa cùng với người dân thì chúng tôi đều tận tình phục vụ”-ông Giới thông tin.
Khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm tại homestay A Ngưi. Ảnh: N.M |
Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, ngoài làng Stơr, trên địa bàn huyện còn có 3 làng (gồm làng Chiêng, thị trấn Kbang; làng Mơ Hra và làng Kgiang thuộc xã Kông Lơng Khơng) được địa phương chọn để xây dựng thành làng du lịch cộng đồng. Riêng làng Stơr và Mơ Hra có lợi thế hơn nhờ được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng Hội đồng Anh hỗ trợ theo dự án “Di sản kết nối”, qua đó giúp người dân có kỹ năng giao tiếp trong du lịch, kỹ năng phục vụ khách lưu trú; cách chế biến thức ăn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, múa xoang, hát dân ca, đánh cồng chiêng phục vụ du khách; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách; tiếp thị và quảng bá du lịch cộng đồng…
Để loại hình du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ông Chi cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác để đầu tư các công trình như nhà sàn, nhà rông, nhà vệ sinh nhằm phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu lưu trú tại làng; xây dựng làng nghề truyền thống; quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả, xây dựng trang trại nuôi heo đen; định hình không gian du lịch; hình thành đơn vị quản lý tại các làng làm nhiệm vụ phân chia lợi nhuận cho người dân khi hoạt động đem lại doanh thu”.
Đa lợi ích từ homestay
Cùng với núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ, ghềnh thác thơ mộng, Kbang còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), Làng kháng chiến Stơr-Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung), Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Hơn nữa, vùng đất với 21 dân tộc cùng sinh sống này cũng rất giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Hàng năm, Kbang đón khoảng 10 ngàn lượt khách, chủ yếu từ các tỉnh Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và khách trong tỉnh.
Người dân làng Chiêng (thị trấn Kbang, Gia Lai) biểu diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: Ngọc Minh |
Thấy nhiều đoàn khách du lịch muốn tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hóa của con người Kbang, anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang) đã nảy ra ý tưởng làm homestay phục vụ du khách. Được sự hỗ trợ của gia đình và sự chấp thuận của chính quyền địa phương, đầu tháng 4-2019, anh ra mắt mô hình homestay A Ngưi. Tại đây, anh làm một nhà rông lớn, bên trong trưng bày nhiều loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của người Bahnar và một số sản phẩm truyền thống váy, áo do mẹ và các phụ nữ trong làng tự tay dệt. Trước sân, anh trồng cây nêu lớn. Đây là nơi đội cồng chiêng do anh thành lập sẽ biểu diễn cho du khách xem. Phía sau nhà rông là ngôi nhà sàn lớn nơi khách du lịch ngủ, nghỉ qua đêm. Mới đây, anh còn dựng thêm 3 chòi tre, mái lợp cỏ tranh phòng khi đông khách.
Tại homestay A Ngưi, du khách sẽ được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, cà đắng; cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy, áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi… Ngoài ra, anh A Ngưi cũng tổ chức cho du khách cùng trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối cũng như các tour du lịch sinh thái.
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng homestay A Ngưi đã thu được kết quả khả quan. Bình quân mỗi tháng homestay này đón khoảng 200 lượt khách. Homestay còn tạo việc làm cho 180 người dân trong làng thuộc đội cồng chiêng, tổ phục vụ nấu ăn, chuẩn bị nơi nghỉ cho du khách nghỉ qua đêm và tổ dẫn khách theo tour. Tùy công việc và thời gian làm việc, mỗi người nhận mức tiền công 100-250 ngàn đồng/ngày.
Theo anh A Ngưi, lợi ích của làm du lịch homestay là tác động đến ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; uống rượu có chừng mực để phục vụ khách du lịch. Người dân còn rất thức thời trong việc sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống như đan gùi, đan rổ, dệt váy áo, làm rượu cần bán cho khách du lịch. “Hơn cả, chính từ hoạt động của homestay này mà các nghệ nhân trong làng đã khôi phục một số nhạc cụ thất truyền bấy lâu như: đàn klông pút, đàn kní...”-anh A Ngưi nói.
Đến từ TP. Hồ Chí Minh, du khách Phạm Thị Hạnh Nguyên hồ hởi: “Đoàn chúng tôi có 10 người, đi tour 3 ngày 2 đêm. Đến đây, chúng tôi được anh A Ngưi dẫn đi các điểm thác, khám phá tượng nhà mồ, tìm hiểu kiến trúc nhà sàn, nghiên cứu nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được trải nghiệm đi hái rau rừng, giã gạo, làm cơm lam… Chuyến đi rất thú vị và ý nghĩa”.
Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Mô hình homestay của anh A Ngưi không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà còn tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho dân làng. Cái quan trọng nhất là đặt nền tảng thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân từ làm nông nghiệp đơn thuần sang tham gia dịch vụ”.
NGỌC MINH