Đón xem các hiện tượng thiên văn kỳ thú tháng 6

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 6 này có những hiện tượng thiên văn kỳ thú "cực chất" như nhật thực vòng lửa hiếm gặp, mây dạ quang và siêu trăng cuối cùng của năm 2021.

Nhật thực
Nhật thực "vòng lửa" là một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú tháng 6. Ảnh: AFP
Tháng 6 có những đêm ngắn nhất trong cả năm ở phía bắc của đường xích đạo, nhưng sự kiện thiên văn học lớn nhất trong tháng sẽ diễn ra sau khi Mặt trời leo lên trên đường chân trời trên một phần của địa cầu.
Đây cũng là một trong những tháng duy nhất trong đó những đám mây dạ quang hiếm hoi, lơ lửng trên cách bề mặt Trái đất 80km, có thể được nhìn thấy từ Bắc bán cầu. Mây dạ quang cao hơn đáng kể so với nhiều đám mây khác hoặc độ cao mà máy bay bay.
Mây dạ quang đôi khi được gọi là "mây xanh tích điện" do màu sắc và cách chúng lung linh trên bầu trời sau khi mặt trời lặn hoặc trước khi mặt trời mọc. Những đám mây độc đáo này chỉ có thể được nhìn thấy ở Bắc bán cầu trong những tuần xung quanh Hạ chí tháng 6 do góc của ánh sáng mặt trời đi vào bầu khí quyển.

Mây dạ quang. Ảnh: Wiki
Mây dạ quang. Ảnh: Wiki
“Những đám mây dạ quang thực sự hình thành từ các hạt do thiên thạch để lại. Những giọt nước siêu lạnh đóng băng trên mảnh vỡ thiên thạch và tạo thành băng. Những đám mây này hoàn toàn được tạo ra từ băng” - Blogger thiên văn học Dave Samuhel của AccuWeather nói.
Không có ngày cụ thể để tìm kiếm những đám mây dạ quang này, nhưng có một số ngày cần đánh dấu trên lịch tháng 6 để không bỏ lỡ ba sự kiện thiên văn hàng đầu trong tháng.
Nhật thực "vòng lửa" 10.6
Nhật thực ''vòng lửa'' hay còn gọi là nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất cùng thẳng hàng tại thời điểm Mặt Trăng nằm ở vị trí cách xa Trái đất nhất trên quỹ đạo của nó.
Do ở quá xa, Mặt trăng không thể che khuất hoàn toàn ánh sáng từ mặt trời, để lại một ''vòng tròn lửa'' xung quanh một quả cầu tối.
Hiện tượng hiếm gặp sẽ xảy ra vào ngày 10.6 tới, với khả năng quan sát tốt nhất tại Canada, Greenland và Nga, có thể nhìn thấy trong tối đa 3 phút 51 giây.
Hầu hết Châu Âu cũng sẽ có thể nhìn thấy nhật thực một phần vào khoảng giữa trưa, theo giờ địa phương.

Nhật thực tháng 6.2020. Ảnh: AFP
Nhật thực tháng 6.2020. Ảnh: AFP
Để ngắm nhật thực "vòng lửa" cần bảo vệ mắt thích hợp vì nhìn thẳng vào mặt trời có thể dẫn đến tổn thương mắt nghiêm trọng, thậm chí vĩnh viễn. Có thể sử dụng kính nhật thực được chế tạo đặc biệt hoặc bộ lọc mặt trời.
Một nhật thực khác sẽ diễn ra vào ngày 4.12, nhưng sẽ không có nhiều người chứng kiến ​​vì nó sẽ chỉ có thể nhìn thấy từ Nam cực.
Hạ chí 20.6
Mùa hè chính thức bắt đầu vào tháng 6, nhưng ngày đánh dấu sự bắt đầu của mùa hè mới phụ thuộc vào định nghĩa.
Các nhà dự báo thường sử dụng các mùa khí tượng, khoảng thời gian ba tháng giống nhau năm này qua năm khác, với mùa hè luôn bắt đầu từ ngày 1.6 và kết thúc vào ngày 31.8.
Điều này khác với mùa hè thiên văn, thay đổi hàng năm tùy thuộc vào thời điểm chính xác của điểm hạ chí tháng 6 và điểm thu phân tháng 9. Năm nay, mùa hè thiên văn bắt đầu vào 10h32 ngày 20.6 và kết thúc vào lúc 02h21 ngày 22.9 theo giờ Việt Nam.
Sau hạ chí, ngày ở Bắc bán cầu sẽ ngắn dần trong khi ngày dài dần ở Nam bán cầu cho đến ngày 21.12.
Siêu trăng cuối cùng của năm 2021
Siêu trăng thứ ba và cuối cùng của năm 2021 diễn ra vào ngày 24-25.6. Siêu trăng thứ nhất xuất hiện hồi tháng 4, tiếp theo là siêu trăng tháng 5 trùng với nguyệt thực toàn phần.

Siêu trăng ở Thái Lan. Ảnh: AFP
Siêu trăng ở Thái Lan. Ảnh: AFP
Trong tháng 6, Mặt trăng vẫn sẽ xuất hiện lớn hơn và sáng hơn một chút so với các lần trăng tròn khác trong suốt thời gian của năm.
Ngay cả khi không phải là siêu trăng, trăng tròn tháng 6 thường được gọi là Trăng dâu vì đây là thời điểm trong năm để hái những quả dâu tây chín mọng.
NGỌC VÂN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm