(GLO)- Để khơi dậy niềm đam mê và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, nhiều trường bán trú ở huyện Kbang (Gia Lai) đã xây dựng những khu đọc sách dành cho các em. Mô hình đã và đang đem lại niềm vui cho nhiều em nhỏ, là nơi các em tìm đến làm bạn với những trang sách sau khoảng thời gian học tập, rèn luyện căng thẳng trên lớp. Đây còn là cầu nối để các em tiếp cận với tiếng Việt, với tri thức một cách sinh động, gần gũi và chủ động hơn; là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi bất đồng ngôn ngữ đang là rào cản của việc dạy và học.
Là một trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện nên điều kiện học tập, vui chơi của các em nhỏ Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) còn nhiều thiếu thốn. Xuất phát từ ý tưởng xây dựng một thư viện, các thầy cô đã bắt tay xây dựng một khu thư viện mô phỏng theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Bahnar. “Năm 2013, thai nghén ý tưởng và đến năm 2014 thì bắt tay thực hiện. Hầu hết phụ huynh đều xa trường, kinh tế khó khăn nên kêu gọi đóng góp vật chất rất hạn chế. Ngoài kinh phí hỗ trợ của dự án Plan là 40 triệu đồng, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp ngày công để hoàn thiện công trình”-thầy Hoàng Văn Ngọc-Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Không gian thư viện ngoài trời của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong). Ảnh: L.H |
Thư viện có tổng diện tích 70 m2 sàn, kết cấu bằng vật liệu gỗ, mái lợp ngói, mô phỏng nhà sàn người Bahnar rất thoáng mát với trên 400 đầu sách. Để giữ gìn vệ sinh, trường phân công lịch trực, lau dọn hàng ngày cho học sinh. Nơi đây còn là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi ngoại khóa, tìm hiểu kỹ năng sống… “Không gian này giúp các em bớt nỗi nhớ nhà, hứng thú đến lớp, đến trường và không nghỉ học giữa chừng. Đặc biệt, từ niềm vui đọc sách, các em có thêm điều kiện tiếp cận với ngôn ngữ tiếng Việt, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, tiếp cận kiến thức mới. Là trường bán trú có tới hơn 200 học sinh ở xa trên 5 km, mô hình thư viện ngoài trời góp phần tạo nên sự thân thiện trong việc dạy và học, vui chơi, giao lưu, tìm những đầu sách mình yêu thích để đọc, khám phá. “Dự kiến trường sẽ mở rộng quy mô thư viện ngoài trời này để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các em”-thầy Ngọc nói.
Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai: “Không chỉ tạo không gian đọc sách, mô hình thư viện ngoài trời thật sự khuyến khích các em học tập, tạo môi trường sinh hoạt bán trú thân thiện với học sinh, xây dựng môi trường tiếng Việt sinh động… Từ đó, giúp các em nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ dàng tiếp nhận kiến thức trong quá trình học, đồng thời giúp các trường duy trì sĩ số học sinh. Sở rất khuyến khích các mô hình này phát triển trong các trường học”. |
Ở Kbang, không chỉ có Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám xây dựng được mô hình thư viện ngoài trời mà còn khá nhiều trường bán trú khác cũng làm được điều tương tự, trong đó có Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang). Cô Nguyễn Thị Phượng-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thư viện xanh của trường thiết kế ở một góc trong khuôn viên sân trường, diện tích 80 m2 với khoảng 1.700 đầu sách các loại. Ở giữa thư viện là một hòn non bộ thiết kế đẹp mắt, tạo không gian thoáng mát, dễ chịu cho các em khi đến đọc sách. Bàn ghế bố trí bao quanh hòn non bộ, có mái che mưa nắng. Toàn bộ kinh phí xây dựng thư viện nhà trường đầu tư và kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm. Trường hiện có 108 em học sinh bán trú trong tổng số 283 học sinh. “Để điều tiết hoạt động, nhà trường xếp lịch bố trí mỗi khối lớp đến thư viện đọc sách vào một ngày cố định trong tuần. Riêng các em khối lớp 1 thì đến xem tranh vẽ, đọc truyện tranh dành cho bé mới làm quen chữ viết. Hàng ngày, có 1 cán bộ thư viện theo dõi số lượng học sinh đến đọc; vào thứ hai hàng tuần, khối lớp nào có nhiều học sinh đến đọc sách ở thư viện sẽ được tuyên dương trong lễ chào cờ. Đây là cách để khích lệ các em đến với thư viện”-cô Phượng chia sẻ.
Điều trăn trở của cô Phượng, thầy Ngọc hiện nay là dù đã xây dựng không gian thư viện ngoài trời nhưng ở các trường, số lượng đầu sách còn khiêm tốn. “Chúng tôi rất mong nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các đơn vị, cá nhân để có nhiều sách hơn, giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận với tri thức”-cô Phượng mong mỏi.
Lê Hòa