Doanh nghiệp Việt "ra biển lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư ra nước ngoài, đa phần là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm từ các trang trại đang đứng chân thành công tại thị trường nước ngoài và phục vụ trở lại nhu cầu trong nước.

 

Thành công trên đất khách

Khi Chính phủ Nga ban hành những chính sách hấp dẫn để đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò sữa, nâng cao sản lượng sữa nội địa, Tập đoàn TH đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, đầu tư tại thị trường tiềm năng này một tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Trang trại bò sữa cao sản đầu tiên với 1.100 con bò sữa nhập khẩu từ Mỹ, cho năng suất sữa tới 11-12 tấn/con/chu kỳ, cao gần gấp đôi những đàn bò sữa đang nuôi tại Nga. Nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày, công nghệ tự động hóa cũng được Tập đoàn TH khởi công tại Nga. Còn tại Australia, Tập đoàn TH đầu tư 2 dự án có tổng vốn hơn 88 triệu USD gồm chăn nuôi, trồng bông hướng dương, du lịch trang trại….

 

Sản xuất sữa bột phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất sữa bột phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG


Năm 2019, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) khởi công xây dựng giai đoạn 1 của Tổ hợp “resort” bò sữa Organic với quy mô 5.000ha tại Lào, quy mô đàn bò 24.000 con. Tổ hợp trang trại này khi đầu tư hoàn chỉnh sẽ có quy mô 20.000ha với đàn bò 100.000 con, tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD. Dự án do doanh nghiệp 3 nước Lào, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu sữa tươi organic chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường Việt Nam và khu vực châu Á. Dự kiến cuối năm 2020, trang trại sẽ hoàn thành việc xây dựng và đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ, cung cấp nguyên liệu sữa tươi organic cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam và xuất khẩu.

Gần đây nhất, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) tại Lào, Campuchia đã hợp tác cùng Công ty CP Nông nghiệp Đông Dương (Thaidi - thuộc Công ty CP Ô tô Trường Hải) hình thành một tập đoàn nông nghiệp quy mô lớn, tạo ra chuỗi giá trị cây ăn trái nhiệt đới đạt chuẩn xuất khẩu toàn cầu. Tương tự, Tập đoàn Lộc Trời với dự án xây dựng vùng nguyên liệu tại Campuchia, trồng lúa theo quy trình hữu cơ; cử kỹ sư hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hoạch, thu mua lúa với giá thỏa thuận và chế biến gạo theo quy trình chất lượng cao. Một DN chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai đã đầu tư trang trại bò thịt tại Canada theo quy trình chuỗi khép kín, hướng đến xuất khẩu thịt bò về Việt Nam. Tương tự, một doanh nghiệp chăn nuôi gà Đồng Nai cũng đầu tư trại heo giống, heo thịt tại Canada nhằm xuất khẩu về Việt Nam...

Khẳng định thương hiệu Việt

Trở lại với dự án trang trại và nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH tại Nga, sau 10 năm hoạt động, công ty của tập đoàn tại Nga trở thành DN có quy mô trang trại và thị phần sản phẩm trong nhóm doanh nghiệp đứng đầu. Không chỉ bù đắp sự thiếu hụt sữa tại Nga, dự án còn hướng tới xuất khẩu đến các thị trường quốc tế. Từ góc nhìn chiến lược về phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế, Tập đoàn TH còn dự kiến phát triển, đầu tư ở 6 tỉnh biên giới Việt - Trung nhằm tận dụng ưu thế về địa lý phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tại sự kiện ra mắt Tổ hợp “resort” bò sữa organic tại Lào, lãnh đạo Vinamilk bày tỏ, Nhật Bản đóng vai trò cung cấp nguồn gen quý hiếm, cung cấp thiết bị, công nghệ, các bí quyết trong ngành chăn nuôi gia súc và quản trị chất lượng theo các tiêu chuẩn cao nhất của Nhật Bản. Tổ hợp “resort” nằm trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi organic cao cấp theo các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Đích đến, Vinamilk hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm sữa chất lượng quốc tế cao cấp tại Lào và xuất khẩu đi các nước ASEAN, Đông Bắc Á và khu vực khác trên thế giới.

PGS-TS Trần Tiến Khai, giảng viên bộ môn kinh tế nông nghiệp (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) phân tích, nhiều nước đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp; mặt khác, những quốc gia này còn quỹ đất rộng lớn nên DN Việt có thể đầu tư công nghệ, dễ dàng thâm canh hơn. Đây cũng là những quốc gia có nhiều chính sách ưu đãi cho DN nước ngoài đầu tư. Chúng ta là nước nông nghiệp, do đó, DN Việt Nam lại có lợi thế là kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số vào nguồn đất đai rộng lớn (một công nhân lao động có thể quản lý 100 - 1.000ha thông qua công nghệ) nên chi phí sản xuất thấp hơn. Đó là những thuận lợi trong các dự án nông nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài. Về góc độ thương hiệu, những DN Việt đầu tư ra nước ngoài góp phần làm tăng giá trị hàng hóa Việt Nam, gia tăng hình ảnh thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo THANH HẢI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.