L.T.S: Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của hơn 30 triệu lao động Việt Nam. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và kéo giảm thất nghiệp, rất cần có sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội.
Để trụ được trong lúc khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh, bán hàng qua mạng, làm thêm nghề "tay trái" để lấy ngắn nuôi dài. Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó doanh nghiệp (DN) Việt cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Khó khăn chồng chất
Báo cáo khảo sát của Hiệp hội DN TP HCM tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế TP tổ chức cách đây vài ngày cho biết tại TP HCM, mới chỉ có 5% DN chuyển về trạng thái bình thường; 9% DN bắt đầu vượt qua khó khăn; 44% DN vẫn còn khó khăn, 40% DN còn rất nhiều khó khăn; 40% DN thiếu vốn kinh doanh; 88% DN thị trường bị thu hẹp. Do khó khăn, có đến 52% DN sẽ phải cắt giảm lao động.
Ông Dương Hoan Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH LEO (sở hữu thương hiệu thêu tay Ninh Khương), thừa nhận DN của ông đã phải cắt giảm hết các chi phí có thể để tiếp tục duy trì bộ máy và hoạt động kinh doanh. Từ 24 cửa hàng trong cả hệ thống trước đây, đến giờ công ty chỉ còn 6 cửa hàng hoạt động và đang lỗ từ 10 đến 18 tỉ đồng. Tổng số công nhân của công ty khoảng 3.000 người, nay chỉ còn 120 người; nhân viên 150 người giảm xuống 31 người.
"Dịch đến lần một, rồi lần hai, sóng sau dồn sóng trước và chưa biết khi nào mới trở lại nhịp sống bình thường. Đến nay, chúng tôi tồn tại được là nhờ phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng đang có" - ông Dương Hoan Tuyên chia sẻ.
|
Trong giai đoạn khó khăn, Công ty Truyền thông Du lịch Việt hợp tác với Công ty Ecom Net sản xuất, xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế Ảnh: LAM GIANG |
Điều may mắn của DN này, theo ông Tuyên, đó là đội ngũ nhân sự vẫn còn gắn bó, dù họ được trả lương không đầy đủ… "Tâm huyết lớn nhất của chúng tôi lúc này là làm sao giữ được nghề thêu tay truyền thống. Còn một người thợ vẫn là còn nghề, việc gầy dựng lại rất khó. Khó khăn cũng là cơ hội để DN có thêm kinh nghiệm, vượt qua được giai đoạn này sẽ còn cơ hội phát triển trong tương lai" - ông Tuyên bày tỏ lạc quan.
Còn theo nữ giám đốc một công ty xây dựng tại TP HCM, nhiều tháng qua, các dự án, công trình xây dựng bị đình trệ, công nhân không có việc làm. Bà trăn trở: "Nhân sự của công ty hơn 100 người, trong đó nhiều công nhân làm việc gần chục năm nay, giờ không có việc cũng không thể cho nghỉ. Mà duy trì tất cả nguồn lao động thì gánh nặng quá lớn cho DN. Áp lực với lãnh đạo công ty là khủng khiếp, tôi mất ngủ thường xuyên".
Nửa năm nay, lãnh đạo một công ty sản xuất sơn tường có hơn 10 tổng đại lý và hàng chục nhà phân phối khắp cả nước lo lắng khi hầu hết đại lý và nhà phân phối đều báo tồn kho rất lớn, thậm chí nhiều nơi muốn trả lại hàng. Sản lượng tiêu thụ chung toàn hệ thống của công ty giảm 70%. Có đến 2/3 dây chuyền sản xuất sơn đã phải ngừng vận hành từ tháng 3 đến tháng 6. Đến đợt dịch thứ hai, từ tháng 7 đến nay, toàn bộ dây chuyền ngưng hoạt động. "Phần lớn công nhân đang tạm nghỉ không lương, chỉ giữ lại kế toán và vài người có nhiệm vụ giao vận, phân phối được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng tôi duy trì hỗ trợ một phần lương cho một số công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chứ không kham được hết" - vị lãnh đạo công ty than vãn.
Từ du lịch chuyển qua... bán đủ thứ
Lãnh đạo một công ty du lịch có thương hiệu ở TP cho rằng dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ và du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều DN đã phải đóng cửa, số còn lại thì điêu đứng, tìm mọi cách để tồn tại, trong đó có công ty của ông.
Trong tình thế khó khăn, vị lãnh đạo DN này chuyển hướng bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thức ăn nhanh, gạo, thực phẩm… qua mạng. Buổi tối, trước cổng công ty, nhân viên mở quán bán sinh tố để kiếm thêm thu nhập. Đích thân ông và vợ lập chợ online để bán gạo. "Tôi muốn làm gương cho nhân viên nỗ lực vượt khó trong lúc còn dịch bệnh. Bán gạo không hẳn lãi nhưng có thứ lãi lớn hơn tiền bạc. Lãnh đạo đi giao hàng cũng như chủ tịch hay giám đốc công ty du lịch làm hướng dẫn viên, trực tiếp phục vụ và chăm sóc khách… là cách PR và marketing trực quan, độc đáo, hiệu quả" - vị lãnh đạo này trải lòng.
DN gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Ngọc, hướng dẫn viên tour nội địa ở TP HCM, nói anh đang chạy chân môi giới bất động sản tạm thời trong giai đoạn này để có thu nhập nuôi 2 con nhỏ. Từ một hướng dẫn viên tự do kín lịch trong dịp hè, cuối tuần "chạy sô" liên tục cho các công ty hoặc tự nhận tour riêng, anh trở thành "ông nội trợ" chính gốc khi ở nhà chăm con. "Tôi sẽ không bỏ nghề du lịch nhưng trước khi trụ lại được với nghề thì phải có tiền nuôi con, nên môi giới nhà đất là nghề tạm thời lúc này" - anh Ngọc tâm sự.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP HCM, tại TP có tới 90%-95% DN lữ hành đã tạm ngừng hoạt động. Với các cơ sở lưu trú du lịch, công suất phòng giảm trên 90%. Hàng loạt khách sạn 4-6 sao ở TP giảm giá phòng, ưu đãi để kích cầu, kéo khách nhưng tình hình không mấy khả quan; trong khi nhiều khách sạn 2-3 sao được rao bán.
Dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần lạc quan của doanh nhân, nỗ lực của DN, người lao động, cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kỳ vọng các DN sẽ vượt qua.
24.200 DN ngừng hoạt động Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 1 đến tháng 8-2020, cả nước có 34.300 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, có 24.200 DN ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể; 10.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể... Theo các chuyên gia kinh tế, những kết quả thống kê hiện nay chưa phản ánh đầy đủ những tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Kỳ tới: Xoay trở để tồn tại
Thái Phương - Thùy Dương - Phương An (NLĐO)