Khối sản phẩm công nghiệp cao su và chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn do thực hiện "3 tại chỗ", Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lo hụt chỉ tiêu kinh doanh khi lợi nhuận cả năm chỉ ước đạt 76% kế hoạch.
Khó đảm bảo "3 tại chỗ"
Đặt trụ sở tại Bình Phước, Công ty CP gỗ MDF VRG Dongwha đang sở hữu máy ép ván MDF lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Đến cuối tháng 8, Công ty Dongwha ghi nhận các trường hợp F0 đầu tiên; khoảng 500 trường hợp F1, F2.
UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Công ty Dongwha tiếp tục nâng công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên mức cao nhất; tạm ngưng hoạt động sản xuất cho đến khi dịch được kiểm soát.
Nhà máy của Công ty CP gỗ MDF VRG Dongwha tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, huyện Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Ngọc Bích |
Cùng với Dongwha, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều công ty khối công nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại TP.HCM, Công ty CP Cơ khí Cao su đang trong thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch.
Tại Bình Dương, Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An phải cho xưởng sản xuất trung tâm tại TP.Dĩ An ngừng hoạt động.
Ông Huỳnh Văn Bảo – Tổng Giám đốc VRG cho biết, các đơn vị trong nhóm ngành sản phẩm công nghiệp cao su và chế biến gỗ có mật độ công nhân cao.
Một số nhà máy không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", hoặc thực hiện được "3 tại chỗ" nhưng lại phát sinh dịch bệnh, buộc phải ngưng sản xuất.
Công nhân chế biến gỗ ở Công ty gỗ Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ |
Phần lớn nhà máy đã phải giảm sản lượng do thực hiện giãn cách hoặc thiếu hụt lao động như tại Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha (Bình Phước); Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương)…
Khó khăn do lực lượng lao động thiếu hụt khiến công suất chế biến thấp hơn so với thiết kế. Sản lượng sản xuất giảm kéo theo doanh thu giảm.
"Trong khi chi phí sản xuất và chi phí phòng chống dịch tăng cao nên hiệu quả sản xuất thấp", ông Bảo cho biết.
Ngoài ra, các công ty chế biến gỗ thuộc VRG lệ thuộc khá nhiều vào kế hoạch khai thác gỗ cao su của các công ty cao su.
Nếu việc khai thác gỗ bị đình trệ các tháng cuối năm sẽ thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.
Do vậy, năm 2021 hiệu quả của nhóm ngành này dự kiến sẽ giảm, nhất là các chỉ tiêu về lợi nhuận, lãnh đạo VRG nhận định.
Với lĩnh vực khai thác, chế biến mủ cao su, VRG cũng cho biết, việc tổ chức thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị ở khu vực Đông Nam bộ, làm giảm sản lượng kế hoạch năm 2021. Đồng thời làm gián đoạn thời gian trồng tái canh cao su năm 2021.
Do diện tích cao su của Tập đoàn trải dài trên nhiều vùng trong cả nước và cả ở nước ngoài, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trên thực tế sản xuất.
Công nhân của Công ty CP Cao su Tây Ninh đang khai thác mủ cao su. Ảnh: Đào Phong |
Công tác thu mua mủ cao su cũng bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nguyên nhân do nhiều hộ cao su tiểu điền ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tạm ngừng thu hoạch mủ cao su.
Việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều do một số dịch vụ gửi chứng từ xuất khẩu ngưng hoạt động; việc giao nhận hồ sơ, đặc biệt hồ sơ ngân hàng chưa thể thực hiện do hạn chế đi lại...
Điều chỉnh kế hoạch năm 2021
8 tháng năm 2021, doanh thu hợp nhất của VRG dự kiến đạt 15.046 tỷ đồng. Mức này tương đương 56% kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Bảo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh theo các chỉ tiêu mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quy định cả năm 2021 sẽ khó hoàn thành.
Theo đó, khối khu công nghiệp có diện tích cho thuê chỉ đạt 9% kế hoạch, giảm khoảng 30% doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch.
Khối công nghiệp cao su chỉ đạt khoảng 95% kế hoạch. Riêng sản phẩm găng tay y tế, một số nơi chỉ hoạt động 50% công suất nên chỉ đạt 87% kế hoạch.
"Doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 25.500 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch. Riêng lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 4.320 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch", ông Bảo cho biết.
Sản xuất găng tay y tế ở Công ty CP VRG Khải Hoàn. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Vơi công ty "mẹ" - Tập đoàn VRG, do lợi nhuận các công ty cao su bị giảm mạnh nên khoản thu từ các công ty TNHH MTV dự kiến giảm khoảng 800 tỷ đồng.
Dự kiến doanh thu chỉ đạt 3.810 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch và lợi nhuân dự kiến chỉ đạt 2.070 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch.
Với lợi nhuận như trên dự kiến, mức cổ tức VRG chỉ đạt 4%.
Nhận định dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, VRG đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các địa phương xem xét các biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong đó, VRG đề nghị chính quyền đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách liên quan đến người lao động như Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời hỗ trợ VRG vay vốn ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất.
VRG cũng kiến nghị xem xét cho phép doanh nghiệp được hoạt động với phương thức 5K và vaccine; hoặc đề xuất các mô hình tổ chức sản xuất kết hợp phòng chống dịch khác phù hợp hơn mô hình 3 tại chỗ để doanh nghiệp lựa chọn thực hiện.
"Trong điều kiện dịch bệnh phát sinh và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện như trên, Tập đoàn cũng kính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét điều chỉnh kế hoạch năm 2021" , ông Huỳnh Văn Bảo chia sẻ. |
Theo Nguyên Vỹ (Dân Việt)