Doanh nghiệp bất chấp 'rút ruột' tài nguyên trái phép, chính quyền bất lực(?)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều doanh nghiệp ngang nhiên đào phá núi Mò O (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) khi chưa được cấp phép khai thác. Tài nguyên bị ‘rút ruột’ không thương tiếc, người dân bức xúc kêu cứu, thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực, để nạn ‘đất tặc’ tung hoành.
‘Đất tặc’ náo loạn làng quê 
Gần đây, người dân ở thôn Chánh Lý (xã Cát Tường) ngày đêm bất chấp nguy hiểm để tìm mọi cách ngăn chặn các doanh nghiệp ồ ạt phá núi, trộm đất đá ở núi Mò O. Người dân chặt cây, tre nứa làm rào chắn, cản đường đi của ‘đất tặc’, tuy nhiên khi họ quay về nhà thì doanh nghiệp lại tháo bỏ, phá rào vào núi đục khoét, đào lấy đất.
Tại hiện trường của 1 mỏ khai thác đất lớn ở núi Mò O, từ bên ngoài doanh nghiệp đã mở một con đường lớn vào sâu trong núi, cây cối bị ủi bật gốc nằm 2 bên đường. Vào sâu trong mỏ, chúng tôi ghi nhận nhiều phương tiện đang đào phá núi để lấy đất, máy múc, xe tải ngang nhiên hoạt động gây náo loạn cả vùng quê yên bình.
 
Núi Mò O bị doanh nghiệp khai thác trái phép.
Ông Đặng Ngọc Hùng (44 tuổi, ở thôn Chánh Lý) bức xúc: “Xã lập đoàn kiểm tra 2 lần và đề nghị người dân dùng tre làm rào chặn đường lại. Nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì, liên tục mở phá rào vào lấy đất. Họ ngang nhiên lộng hành, coi thường pháp luật còn người dân và chính quyền cấp xã thì bất lực”.
Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp còn ngang tàng ủi phá nhiều ngôi mộ của các dòng họ Phạm, Đặng… trong thôn Chánh Lý.
Theo ông Hùng, trước đó ở 1 vị trí khác trên núi Mò O này, dòng họ Đặng của ông bị mất 5 ngôi mộ của tổ tiên do Công ty Hiếu Ngọc mở đường vào núi để khai thác đất ủi mất dấu.
 
Người dân Chánh Lý liên tục bức xúc bởi doanh nghiệp rút ruột tài nguyên, tàn phá môi trường.
Mặc dù chính quyền xã kiểm tra xử lý, thế nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì, phớt lờ lệnh cấm khai thác khi chưa được phép. Mỗi ngày có 70 đến 80 lượt phương tiện, máy múc ồ ạt khai thác đất trái phép trên núi Mò O.
“Có 5 doanh nghiệp, trong đó 2 doanh nghiệp ở xã Cát Tường, 1 doanh nghiệp ở thị xã An Nhơn, 1 doanh nghiệp khác ở huyện Tây Sơn và Công ty 98 khai thác đất trái phép trên núi Mò O. Ở đây, những doanh nghiệp này đã quen mặt, người dân ai cũng biết nhưng không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại không xử lý được”, ông Phạm Ngọc Bình (47 tuổi) đặt câu hỏi nghi ngờ.
Làm ngơ hay ‘yếu kém’?
Chứng kiến cảnh doanh nghiệp khai thác đất bất chấp, lo sợ 2,5 sào ruộng lúa sát chân núi bị bồi lấp mất ruộng nên ông Phạm Văn Ngọc (70 tuổi) cùng vợ là bà Huỳnh Thị Bảy (65 tuổi, thôn Chánh Lý) chặt tre, dựng rào chặn ‘đất tặc’.
“Nhiều ngày nay, vợ chồng tôi thay nhau lên chặn, chúng tôi chửi thì xe ủi, máy múc, xe tải im hơi xem thường. Dù chồng tôi chặn xe tải giữa nắng mệt quá phải nằm sắp ngất giữa đường nhưng không thể đứng nhìn cảnh tài nguyên bị doanh nghiệp tàn phá, thu lợi như vậy được. Gia đình có 10 người, giờ nếu mưa xuống mất ruộng thì biết lấy gì sống, người dân chỉ biết cầu mong cấp trên tỉnh, huyện xuống cứu giúp”, bà Bảy đề nghị.
 
Máy múc, xe tải băm nát núi dù chưa được cấp phép khai thác.
Với 40 năm tuổi Đảng, ông Phạm Tụng (71 tuổi) - Đảng viên chi bộ thôn Chánh Lý cũng phản ứng rất gay gắt: “Qua theo dõi tình hình ở trên núi Mò O, tôi lên gặp trực tiếp Đảng ủy, UBND xã Cát Tường. Chúng tôi thống nhất với việc tỉnh mở đường trục Khu kinh tế nối dài nhưng ai cho lấy đất ở núi Mò O, đã xin ý kiến đồng thuận của người dân hay chưa. Còn khai thác trái phép, hơn 3 tháng nay núi bị đào bới mà chính quyền vẫn bất lực, họ làm ngơ hay yếu kém?”.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường khẳng định: “Núi Mò O chưa được cấp phép khai thác đất, tuy nhiên các doanh nghiệp tự ý, lén lút khai thác đất trái phép. Xã không bao che, ngó lơ việc khai thác đất trái phép này. Chúng tôi đã liên tục kiểm tra, lập hàng loạt biên bản xử lý nhưng địa bàn rộng, đội ngũ thì mỏng nên rất khó ngăn chặn”.
Theo Chủ tịch UBND xã Cát Tường, sự việc bắt đầu từ khi có dự án đường trục Khu kinh tế nối dài đi qua địa bàn xã. Dự án này nhận được sự đồng tình ủng hộ, tuy nhiên người dân phản ứng mạnh bởi nạn khai thác đất núi Mò O. Hiện, có 2 đơn vị đang thi công san lấp mặc bằng cho khu tái định cư và đường trục Khu kinh tế nối dài.
 
Núi bị băm nát khai thác đất trái phép, vậy trách nhiệm thuộc về ai?.
Theo các hồ sơ ông Hoàng cung cấp, từ tháng 2 - 4.2019, UBND xã Cát Tường liên tục kiểm tra, lập hàng loạt biên bản vi phạm đối với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm) 5 lần lập biên bản vi phạm, Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98), Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường) 2 lần vi phạm, Công ty Hiếu Ngọc…
Riêng với Công ty Bình Diễm có 5 lần vi phạm. Cụ thể, các ngày 12, 16 và 17.4.2019, cơ quan chức năng xã Cát Tường bất ngờ kiểm tra và phát hiện xe tải của Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Ngày 22.4.2019, UBND xã Cát Tường phối hợp với người dân thôn Chánh Lý tiếp tục phát hiện Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Doanh nghiệp có mặt tại hiện trường đã không hợp tác với đơn vị chức năng, tiếp tục cho các phương tiện đào phá núi Mò O để lấy đất.
“Để giải quyết dứt điểm vụ việc, chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp cùng với Ban quản lý Công trình giao thông tỉnh, ngành tài nguyên môi trường, công an… đến để làm việc. Xã đề nghị Ban quản lý công tình giao thông tỉnh nghiêm cấm không được thu mua đất khai thác trái phép ở núi Mò O để san lấp công trình”, ông Hoàng khẳng định.
Doanh nghiệp, Chủ tịch xã huyện, Sở Tài nguyên… phải chịu trách nhiệm!

Một lãnh đạo Phòng thuộc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, trong câu chuyện khai thác đất trái phép ở núi Mò O, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên, người cho phép bán đất hoặc bán đất cũng vi phạm. Về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm chính, sau đó đến Chủ tịch UBND huyện và sau nữa là Sở TN&MT tỉnh Bình Định

Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.