Đoạn video nghệ thuật 10 giây được bán với giá 6,6 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Những tác phẩm nghệ thuật số hóa dựa trên công nghệ blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí có người sẵn sàng chi hàng triệu USD để sở hữu chúng.

 Ngoài đoạn video 10 giây, tác phẩm Everyday gồm 5.000 bức tranh của Beeple cũng được bán dưới dạng NFT - Ảnh: Reuters
Ngoài đoạn video 10 giây, tác phẩm Everyday gồm 5.000 bức tranh của Beeple cũng được bán dưới dạng NFT - Ảnh: Reuters


Theo Reuters, đoạn video chỉ vỏn vẹn 10 giây là tác phẩm của nghệ sĩ Beeple (tên thật là Mike Winkelmann), sử dụng công nghệ blockchain để xác thực bản quyền và chứng nhận chủ sở hữu tài sản.

Tháng 10.2020, nhà sưu tập Pablo Rodriguez-Fraile đã chi gần 67.000 USD để mua đoạn video. Cuối tuần qua, người này bán lại tác phẩm với giá 6,6 triệu USD.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm cản trở hoạt động thương mại nghệ thuật, giới sưu tập bắt đầu chi tiền cho những tác phẩm nghệ thuật số hóa. Điều đáng nói là những tác phẩm như vậy thường không có giá trị vật chất, không thể sờ mó được mà chỉ tồn tại dưới hình thức trực tuyến.

Chúng được gọi là token không thể thay thế (NFT) - một loại tài sản kỹ thuật số bắt đầu phổ biến những năm gần đây. NFT là những vật thể độc nhất vô nhị, khác với các tài sản có thể thay thế như tiền, cổ phiếu hoặc vàng. Như vậy, công nghệ blockchain sẽ giúp tác phẩm nghệ thuật số hóa trở thành độc nhất, không thể sao chép như các vật thể ảo khác.

Nhà sưu tập Rodriguez-Fraile giải thích: “Bạn có thể đến bảo tàng Louvre và chụp một bức ảnh của nàng Mona Lisa, nhưng bức ảnh không có giá trị vì không có xuất xứ hoặc lịch sử như tác phẩm gốc". Vì đã có kiến thức về những tác phẩm của Beeple, Rodriguez-Fraile không ngần ngại chi tiền mua đoạn video. Người này nói thêm: "Tác phẩm có giá trị là nhờ người đứng sau nó".

Gần đây, nhà đấu giá Christie's cũng rao bán một tác phẩm số hóa khác của Beeple dưới dạng NFT. Tác phẩm gồm 5.000 bức tranh được anh vẽ suốt 13 năm. Giá thầu cho tác phẩm đang ở mức 3 triệu USD và việc đấu giá sẽ kết thúc vào ngày 11.3 sắp tới.

 

Một bức tranh trong tác phẩm Everyday - Ảnh: Reuters
Một bức tranh trong tác phẩm Everyday - Ảnh: Reuters


Noah Davis - chuyên gia nghệ thuật ở Christie’s cho biết: "Trong 10 phút đấu giá đầu tiên, chúng tôi nhận được hơn 100 hồ sơ dự thầu từ 21 nhà thầu và giá đã ở mức 1 triệu USD".

Trang OpenSea là nơi diễn ra hoạt động mua bán những NFT. Tính đến tháng 2 năm nay, họ cho biết doanh thu từ việc bán vật thể ảo hằng tháng đã tăng lên 86,3 triệu USD. Cách đây 1 năm trước, doanh thu hằng tháng của họ chỉ ở mức 1,5 triệu USD.

Alex Atallah - đồng sáng lập của OpenSea cho biết: “Nếu bạn dành 10 giờ mỗi ngày trên máy tính hoặc 8 giờ mỗi ngày trong lĩnh vực kỹ thuật số, thì nghệ thuật số hóa sẽ rất có ý nghĩa".

Tuy nhiên giới đầu tư cảnh báo một dòng tiền lớn đang chảy vào NFT khiến thị trường này có thể trở thành bong bóng giá khổng lồ, đẩy người chơi vào tình trạng thua lỗ một khi bong bóng vỡ. Thị trường NFT cũng là nơi diễn ra các phiên giao dịch ẩn danh nên dễ trở thành "thiên đường" cho những kẻ lừa đảo.

Andrew Steinwold - người thành lập quỹ đầu tư NFT trị giá 6 triệu USD cảnh báo phần lớn NFT có thể không còn giá trị trong tương lai. Tuy nhiên, ông tin rằng một số mặt hàng vẫn sẽ giữ nguyên giá trị vì NFT đại diện cho tương lai của quyền sở hữu số hóa, mở đường cho một thế giới mà mọi người được phép giao lưu và kiếm tiền trong môi trường ảo. 

Theo MAI ANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.