Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-7, tại Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do bà Cù Thị Thủy-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm khảo sát, nắm bắt các điều kiện thực tế phục vụ xây dựng Đề án phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và Đề án hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó giai đoạn 2023-2030.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) Cù Thị Thủy đánh giá cao kết quả phổ cập cũng như phát triển GDMN của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Ảnh: Mộc Trà
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) Cù Thị Thủy (bìa phải) đánh giá cao kết quả phổ cập cũng như phát triển GDMN của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Ảnh: Mộc Trà


Báo cáo với đoàn công tác về đặc điểm, tình hình phát triển GDMN của tỉnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi thông tin: Từ năm 2016 đến nay, Gia Lai luôn duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, chất lượng phổ cập được nâng cao. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp, trẻ học 2 buổi/ngày, trẻ được ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang-thiết bị được bổ sung hàng năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình GDMN đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

Quy mô GDMN được củng cố, ổn định và phát triển; mạng lưới trường, lớp được mở rộng đến tận các thôn, làng, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập tăng hàng năm. Tính đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 268 trường mầm non, mẫu giáo và 241 cơ sở độc lập tư thục với 3.076 nhóm, lớp (201 trường nằm ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn với 1.664 nhóm, lớp). Tỷ lệ trẻ mầm non được huy động ra lớp đạt 57,9%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 95%. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt 1.0; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 39,48%. Toàn tỉnh hiện có 135 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (chiếm 50,37%). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn bậc học mầm non là 5.656 người; định mức giáo viên/lớp đạt 1,4 (tính cả giáo viên hợp đồng), so với định mức còn thiếu 1.826 giáo viên.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT, các sở, ngành và đại diện một số Phòng GD-ĐT đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: khó khăn trong phát triển GDMN nói chung và GDMN ngoài công lập nói riêng; tình hình thừa-thiếu giáo viên gắn với phương án bổ sung; chính sách cho giáo viên mầm non, nhất là ở các vùng khó khăn; công tác tự chủ tài chính, huy động xã hội hóa GDMN; đổi mới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nâng cao tỷ lệ chuyên cần; phương án phổ cập giáo dục từng độ tuổi; những bất cập, hạn chế về quy định trong các văn bản, chính sách, chỉ đạo phát triển GDMN cần phải điều chỉnh, bổ sung... Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm thực thiện tốt công tác phổ cập GDMN, trong đó có phổ cập cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà



Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) Cù Thị Thủy đánh giá cao kết quả phổ cập giáo dục cũng như phát triển GDMN của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ phải tạm dừng đến trường nhưng toàn bậc học đã xây dựng được 5.000 video clip để phối hợp cùng phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục quốc gia.

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cho rằng, tỉnh nên phối hợp với các cơ sở đào tạo có quy hoạch mạng lưới, đặc biệt là cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn giáo viên để tuyển dụng; đồng thời nên có chính sách thu hút riêng để đảm bảo nguồn lực chất lượng. Tỉnh cũng cần dành quỹ đất cho các nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; có cơ chế xã hội hóa GDMN phù hợp với quy định hiện hành; tính toán kỹ trong quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Về một số đề xuất của ngành GD-ĐT tỉnh liên quan đến quy định về định mức giáo viên, sĩ số lớp theo vùng; chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng khó, hỗ trợ suất ăn trưa cho trẻ người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn..., đoàn sẽ ghi nhận và tham mưu, đề xuất một cách phù hợp trong quá trình xây dựng các Đề án.

Trước đó, ngày 14-7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đi khảo sát thực tế tại TP. Pleiku và huyện Đức Cơ. Tại những nơi khảo sát, đoàn ghi nhận, nắm bắt tình hình phát triển GDMN cũng như những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị, địa phương gặp phải để làm cơ sở phục vụ cho việc xây dựng 2 Đề án trên.

 

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.