Đô thị đáng sống  

Đến nay, nước ta có tổng cộng 888 đô thị. Các đô thị này đóng góp đến 70% GDP quốc gia - một con số hết sức ấn tượng. Hệ thống đô thị đang đóng vai trò gánh vác cho nền kinh tế cả nước.

Song, đằng sau con số ấn tượng trên là nhiều nỗi lo mà không ít đô thị ở các quốc gia mới phát triển đã và đang gặp phải: Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, khó hoàn thiện điều kiện sống của cư dân, khó hiện thực mục tiêu đô thị xanh...

Vào năm 1990, Việt Nam có khoảng 500 đô thị. Trong vòng 30 năm kế tiếp, nước ta phát triển gần 400 đô thị - tốc độ đô thị hóa hơn 46%. So với một số quốc gia khác, tốc độ này không quá cao nhưng với thực tế Việt Nam - là một trong những quốc gia đông dân, diện tích không quá lớn - đây là điều đáng suy ngẫm.

Tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì sẽ thu hẹp diện tích dành cho nông thôn và cũng dần mất đi những lợi thế để phát triển các ngành kinh tế ngoài công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, các ngành như nông nghiệp, du lịch sinh thái, kinh tế thủ công… vốn là lợi thế của chúng ta và cáng đáng sinh kế của người dân nông thôn, vốn chiếm đến 60% dân số.

Nỗi lo của nhiều quốc gia đông dân hiện nay là việc đô thị hóa sẽ làm thu hẹp dần môi trường tự nhiên của chính con người, làm phai nhạt bản sắc văn hóa đặc thù địa phương. Qua thời gian, đô thị ngày càng gánh vác trọng trách phát triển kinh tế, làm hạt nhân phát triển vùng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, công nghiệp và sự gia tăng dân số, các địa phương dần kết nối nên đô thị không còn giữ vai trò độc tôn mà phải phát triển theo hướng kết nối với toàn vùng. Trong đó, đô thị phải trở thành nơi có cuộc sống hoàn thiện cho lực lượng lao động - những người làm ra lượng của cải chủ lực của xã hội. Khái niệm "đô thị đáng sống" trước tiên cần phục vụ mục tiêu này.

Nhiều đô thị ở nước ta đã trải qua những hệ lụy từ hệ thống giao thông chật chội, môi trường bức bối, mảng xanh bị thu hẹp, bê-tông chặn các hướng hòa nhập với môi trường tự nhiên… Nhưng nay đã khác, đô thị phải gắn liền và tương hỗ với nông thôn, với việc phát triển kinh tế xanh, xây dựng môi trường sống chất lượng…, điển hình như TP HCM.

Là đô thị giáp với một vùng biển rộng lớn, sở hữu lưu vực sông Sài Gòn dồi dào nguồn nước và trù phú về môi sinh, TP HCM đã và đang xây dựng một thành phố đáng sống. May mắn hơn, qua rất nhiều năm phát triển đô thị, TP HCM vẫn giữ trọn vẹn Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 75.000 ha. Đây là "bảo bối" cho việc quy hoạch thành phố xanh trong tương lai.

Nói rộng hơn, nước ta được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng dãy Trường Sơn của rừng mưa nhiệt đới và bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, vì vậy có đầy đủ lợi thế để phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta tự hào đô thị là nơi đóng góp lớn cho sự phát triển quốc gia thì cũng cần phải làm sao để nơi đây đáng tự hào về điều kiện sống.

Theo PHẠM HỒ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ngày hội mở đường ở thị trấn Phú Thiện: Ý Đảng gặp lòng dân

Ngày hội mở đường ở thị trấn Phú Thiện: Ý Đảng gặp lòng dân

(GLO)- Nhằm huy động sự chung sức của người dân trong xây dựng đô thị văn minh, ngày 11-3 vừa qua, UBND thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Ngày hội mở đường tại tổ dân phố 13. Ngày hội thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Cận cảnh ngôi nhà nghỉ dưỡng khi tuổi già

Cận cảnh ngôi nhà nghỉ dưỡng khi tuổi già

Người lớn tuổi thường trú trọng hơn về đời sống tinh thần, họ có xu hướng tìm đến nơi đồng quê yên tĩnh, thanh bình, tránh xa sự xô bồ nơi phố thị. Một căn nhà nơi miền quê thanh bình có vườn rau, cây cối... là một nơi lý tưởng để an hưởng tuổi già.
Lồng ghép việc ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình ưu tiên đầu tư

Lồng ghép việc ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình ưu tiên đầu tư

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn về việc triển khai các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV tại Báo cáo số 1139/BC-UBKHCNMT15 ngày 11-1-2023 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Rừng trong phố

Rừng trong phố

(GLO)- Tôi mượn ý thơ của Lưu Quang Vũ: “Trong thành phố có một vườn cây mát/Trong triệu người có em của ta/Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra” để đi tìm một khu vườn, một khu rừng giống như trong bài “Vườn trong phố” ấy. Vừa hay lại trùng với suy nghĩ của người bạn vừa ghé thăm Pleiku, lúc tản bộ dưới những tàng cây tỏa bóng mát trong Công viên Diên Hồng, bạn đã thốt lên thích thú: Đúng là rừng trong phố!