Đổ nợ vì sâm Ngọc Linh chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ nghĩ sâm Ngọc Linh sẽ giúp  thoát nghèo nên bà con một số huyện ở Kon Tum ồ ạt vay ngân hàng hoặc bán trâu bò để đầu tư trồng. Không ngờ sâm chết hàng loạt, khiến dân đã nghèo càng thêm khổ, giấc mơ thoát nghèo tiếp tục dở dang. 

Vườn sâm của anh A Thuất bị chết
Vườn sâm của anh A Thuất bị chết
Sâm chết như… ngả rạ 
Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là quốc bảo Việt Nam, được xem là cây thoát nghèo của đồng bào dân tộc các xã ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum). Với hy vọng đời sống sẽ khởi sắc nên những năm qua, người dân ồ ạt gom tài sản tích trữ trong nhà hoặc vay ngân hàng để lấy vốn đầu tư trồng sâm. Ai ngờ sâm vừa trồng đã chết tràn lan khiến dân ôm nợ.
Thẫn thờ trong căn nhà tuềnh toàng, anh A Thuất (thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nghẹn ngào: “Bao nhiêu tài sản mang lên rừng già trồng sâm, giờ sâm chết la liệt, xót lắm”. Thuyết phục mãi, anh A Thuất mới đồng ý dẫn chúng tôi mục sở thị vườn sâm đang chết dần gần hết nằm trên đỉnh núi, cách làng Pu Tá khoảng 15km đường rừng.
Vườn sâm của anh A Thuất rộng hàng trăm mét vuông, bên trên là cây rừng cổ thụ xum xuê, bên dưới là sâm Ngọc Linh được trồng trong chậu và trên nền đất. Hàng loạt cây sâm 1-3 năm tuổi đã bị vàng, chết trơ trụi. Theo anh A Thuất, nhiều năm trước, gia đình trồng ít sâm và phát triển tốt, cho thu nhập khá, nên năm 2019, vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng trồng. “Đến tháng 3 năm nay, vườn sâm đột ngột vàng lá rồi chết. Gia đình đếm thì có 700 cây sâm từ 1 tuổi trở lên bị chết, tổng thiệt hại 250 triệu đồng. Hiện gia đình không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng”, anh A Thuất rầu rĩ.
Những ngày này, anh A Gẹo (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cũng tất tả lên rừng chăm sóc số cây sâm còn lại chưa bị bệnh mong cứu vớt chút ít. Anh A Gẹo kể trong nghẹn ngào: “Cả vườn sâm khoảng 550 cây mà chết 500 cây rồi, chỉ còn 50 cây không biết có sống được không. Giờ không biết lấy gì trả nợ ngân hàng”. Theo anh A Gẹo, cách đây khoảng 3 năm, anh vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng vườn sâm. Ai ngờ tháng 4 năm nay, vườn sâm có dấu hiệu ngã bệnh chết trước sự bất lực của gia đình.
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết, xã có 532 hộ dân thì hầu hết đều trồng sâm Ngọc Linh. Để có tiền đầu tư, rất nhiều bà con phải bán trâu bò hoặc vay ngân hàng. Từ tháng 3 năm nay, sâm bắt đầu chết nhiều. Qua kiểm tra sơ bộ, có 274 hộ dân có sâm bị chết do sâu bệnh và mưa đá với số lượng khoảng 23.000 cây. Cây bị thiệt hại gồm cả cây nhỏ và cây to, trong đó cây giá trị thấp nhất là 300.000 đồng, cây có giá trị cao nhất là 7-8 năm tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng. “Trồng sâm Ngọc Linh không dễ. Thực tế là hiện nay, cây sâm bị chết hàng loạt đã gây khó khăn cho bà con. Nhiều hộ vay tiền ngân hàng trồng sâm nay đến hạn mà không biết lấy gì trả nợ vay”, ông Trí nói.
Cần hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, sau khi nghe phản ánh sâm chết hàng loạt, đơn vị đã phối hợp kiểm tra ở 2 huyện trồng sâm là Đắk Glei và Tu Mơ Rông, xác định các cây sâm bị nhiễm bệnh chết rạp. Nguyên nhân gây bệnh là do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp. T
rong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển mạnh. Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, đơn vị đã đề nghị chính quyền 2 huyện nói trên chỉ đạo các đơn vị liên quan vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan. Bên cạnh đó, cần sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm, hạn chế nấm lây lan.
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết,  giống sâm mà người dân trồng đều được mua tại địa bàn. Mấy năm trước, sâm cũng bị bệnh nhưng rất ít, năm nay bệnh ở cây sâm mới phát triển mạnh khi người dân trồng nhiều hơn. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân gây ra bệnh chết rạp là do chăm sóc chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (làm đất, trồng quá dày) và thời tiết thay đổi đột ngột, dẫn đến sốc nhiệt.
Theo ông Phạm Xuân Quang, năm 2007, Sở NN-PTTN Kon Tum đã ban hành quy trình về trồng, chăm sóc cây sâm. Quy trình này chỉ là tạm thời, áp dụng ra ngoài thực tế có nhiều điểm không phù hợp. Cũng vì quy trình này đã lạc hậu nên sắp tới UBND huyện sẽ đề nghị Sở NN-PTNT xây dựng một quy trình chuẩn để hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc sâm. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ mời các doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn về hướng dẫn, tập huấn cho bà con.
Nói về thiệt hại của người dân, ông Phạm Xuân Quang cho rằng, để có tiền đầu tư, nhiều người dân vay vốn hoặc bán trâu, bò, heo. Hiện các đơn vị của huyện đang kiểm tra, rà soát, bóc tách số hộ vay ngân hàng trồng sâm nhưng sâm bị chết để có hướng kiến nghị ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ.
Thống kê sơ bộ ban đầu, tại huyện Tu Mơ Rông có 393 hộ trồng sâm ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, Văn Xuôi bị thiệt hại với số lượng khoảng hơn 39.000 cây. Tại huyện Đắk Glei có 2 xã là Ngọc Linh và Mường Hong trồng nhiều sâm Ngọc Linh và thống kê sơ bộ bước đầu khoảng 13.500 cây sâm bị chết.
Theo HỮU PHÚC (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm